So sánh tiềm lực sáng chế UAV của Nga, Ukraine trong xung đột
Nga đã nộp 342 bằng sáng chế máy bay không người lái (UAV) từ năm 2022 đến năm 2024, trong khi Ukraine chỉ nộp 4 bằng sáng chế trong cùng khoảng thời gian.
Bằng sáng chế về máy bay không người lái (UAV, hoặc drone) đã tăng vọt trên toàn thế giới trong bối cảnh “cuộc chạy đua vũ trang mới” về việc sử dụng công nghệ này trên chiến trường, tờ The Independent (Anh) đưa tin hôm 26/4, dẫn lời cảnh báo của các chuyên gia.
Theo The Independent, Dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho thấy số bằng sáng chế được nộp cho công nghệ liên quan đến UAV đã tăng 16% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023.
Con số này tăng từ 16.800 vào năm 2022 lên 19.700 vào năm 2023 – với Trung Quốc, Nga và Mỹ nằm trong số 5 quốc gia phát triển công nghệ UAV hàng đầu.
Ông Marcel Plichta, cựu nhà phân tích tại Bộ Quốc phòng Mỹ, nói với tờ The Independent rằng việc các nước thi nhau nộp bằng sáng chế đã đánh dấu một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới cho một loại hình tác chiến mới.
“Đây là một phần của cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới. Nó khác với cuộc chạy đua vũ trang truyền thống giữa xe tăng và súng trường, và được thúc đẩy nhiều hơn nữa bởi những sáng tạo công nghệ”, ông Plichta nói.
“Đặc biệt là ở Ukraine và Nga, nơi loại công nghệ này đang được phát triển để giải quyết vấn đề chiến tranh tiêu hao vốn rất khó đạt được bất kỳ tiến bộ thực sự nào”, vị chuyên gia lưu ý. “Nhưng đó không hẳn là một cuộc cách mạng công nghệ – nó chỉ là một trường hợp áp dụng công nghệ UAV vào thực chiến để giành lợi thế trên chiến trường”.
Nga đã nộp 342 bằng sáng chế từ năm 2022 đến năm 2024, trong khi Ukraine chỉ nộp 4 bằng sáng chế trong cùng khoảng thời gian, theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Có tới 82% tất cả các bằng sáng chế về UAV toàn cầu được nộp kể từ năm 2015 đều có nguồn gốc từ các công ty Trung Quốc. Vào năm 2023, 87% tổng số hồ sơ đến từ Trung Quốc.
Công nghệ do nhà sản xuất máy bay không người lái DJI của Trung Quốc sản xuất, thường được Ukraine sử dụng trên chiến trường, là công ty nộp đơn xin cấp bằng sáng chế UAV thường xuyên nhất.
Một mẫu DJI Mavic có thể được mua với giá chỉ từ 125 USD trên mạng Internet. Mặc dù việc bán các mẫu DJI đã bị đình chỉ ở Ukraine và Nga khi xung đột bắt đầu nhưng chúng vẫn có thể được mua ở những nơi khác trên thế giới.
Ông Plichta cho biết, những chiếc drone quadcopter 4 cánh nhỏ hơn có thể dễ dàng được trang bị máy ảnh và lựu đạn, khiến chúng trở nên lý tưởng để sử dụng trên chiến trường.
Ông Andrew White, chuyên gia tại Công ty luật sở hữu trí tuệ Mathys & Squire, cho biết các ứng dụng quân sự hiện chiếm một tỉ lệ đáng kể trong nghiên cứu và phát triển công nghệ UAV.
“Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp quốc phòng đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu UAV khi các chính phủ nhận ra rằng họ đang tham gia một cuộc chạy đua vũ trang theo đúng nghĩa đen trong lĩnh vực này”, ông White nói.
Ông Plichta cho biết, Quân đội Mỹ hiện đang quan tâm nhiều hơn đến công nghệ UAV nhưng lại cảm thấy mệt mỏi trước tình trạng thị trường bị bão hòa bởi các công ty Trung Quốc.
“UAV được sản xuất ở Mỹ đắt hơn và có số lượng ít hơn so với ở Trung Quốc, vì vậy hiện tại không có sự thay thế thực sự nào cho chúng. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thấy Mỹ, Ukraine và các nước châu Âu đầu tư ồ ạt vào công nghệ này trong vòng 5 năm tới”, ông Plichta nói.
Ukraine đã công bố kế hoạch đầu tư 40 tỷ Hryvnia Ukraine (khoảng 1 tỷ USD) vào ngành sản xuất UAV nội địa trong năm 2023. Nước này đã huy động được 4 tỷ Hryvnia để sản xuất UAV vào năm 2022 theo sáng kiến mang tên UNITED24 do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra vào tháng 5/2022.
Hơn 10.000 UAV được cho là bị “biến mất” trên chiến trường mỗi tháng, tờ The Independent cho biết.
Minh Đức (Theo The Independent, New Telegraph)