Sơ suất rò rỉ tin mật, Mike Waltz dễ mất ghế?
Phản ứng lúng túng từ Nhà Trắng về sự cố để lộ thông tin quân sự nhạy cảm vào ngày 24/3 đã khiến dư luận lên tiếng trái chiều.
Tờ Politico đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tự nhận mình là người thẳng thắn, không né tránh sự thật. Tuy nhiên, khi chính quyền của ông rơi vào bê bối vì vô tình tiết lộ thông tin quân sự nhạy cảm cho một nhà báo, phản ứng lúng túng từ Nhà Trắng đã khiến ngay cả một số đồng minh trung thành cũng phải lên tiếng chỉ trích.
Nhà Trắng hôm 26/3 tiếp tục bảo vệ Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, người được cho là đã vô tình thêm Tổng biên tập tạp chí The Atlantic, Jeffrey Goldberg, vào một nhóm trò chuyện Signal, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth chia sẻ thông tin chi tiết về một cuộc tấn công sắp diễn ra nhằm vào các chiến binh Houthi ở Yemen. Nhà Trắng khẳng định không có vi phạm an ninh, nhưng lập luận này nhanh chóng bị phản bác.
Bên trong Nhà Trắng, ông Mike Waltz chịu phần lớn trách nhiệm vì dường như chính ông là người thêm Goldberg vào cuộc trò chuyện. Điều này phản ánh vị thế bấp bênh của ông trong chính quyền "Nước Mỹ trên hết", nơi vẫn còn nghi ngờ về lập trường tân bảo thủ của ông.
Mặc dù Bộ trưởng Hegseth bị chỉ trích vì chia sẻ thông tin nhạy cảm, không ai trong Nhà Trắng yêu cầu sa thải ông. Trái lại, vị trí của cố vấn Mike Waltz trở nên lung lay hơn bao giờ hết.
Cơn thịnh nộ trong Nhà Trắng
Trong cuộc họp báo hôm 26/3, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt không loại trừ khả năng ông Mike Waltz có thể bị cách chức. Một số nhân viên Nhà Trắng và đồng minh của Tổng thống đặc biệt tức giận với phần xuất hiện của ông Waltz trên Fox News tối 25/3, nơi ông tỏ ra lúng túng, liên tục thay đổi lời nói và cuối cùng vẫn không thể giải thích vì sao số của Goldberg lại có trong điện thoại của mình.
Một quan chức cấp cao thẳng thắn: "Mọi người tức giận vì ông Mike Waltz không chịu thừa nhận sai lầm và tiếp tục kéo dài vấn đề. Phản ứng của ông ấy chỉ khiến tình hình tệ hơn”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz trả lời phỏng vấn trên Fox News. Ảnh: Reuters.
Sự việc càng trở nên phức tạp khi Cố vấn Mike Waltz kêu gọi tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ, điều tra vụ rò rỉ - một động thái mà các quan chức Nhà Trắng cho là có thể gây thêm rắc rối chính trị. "Ông Waltz vừa mở cánh cửa cho FBI điều tra vụ xâm phạm chuỗi tin nhắn của ông ấy", một quan chức chia sẻ với Politico.
Một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng nhận xét: “Những lời giải thích của ông Waltz hoàn toàn không thuyết phục, ông ấy đang tự biến mình thành trò cười”.
Chiến lược truyền thông rời rạc
Vụ bê bối này cũng phơi bày sự thiếu nhất quán trong chiến lược truyền thông của Nhà Trắng. Các quan chức cấp cao, đội ngũ truyền thông, thậm chí cả Tổng thống Trump đã đưa ra những tuyên bố không đồng nhất. Ngay sau khi ông Mike Waltz tuyên bố trên Fox News rằng ông “hoàn toàn chịu trách nhiệm”, Tổng thống Trump lại xuất hiện trên Newsmax để đổ lỗi cho một nhân viên của Waltz.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại phòng Bầu Dục ngày 26/3/2025. Ảnh: Reuters.
Nhà Trắng cũng chọn cách công kích The Atlantic thay vì làm rõ nội dung cuộc trò chuyện bị rò rỉ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt gọi bài báo của The Atlantic là “trò lừa bịp”.
Giám đốc truyền thông Steven Cheung cáo buộc tạp chí này “vu khống”, khẳng định cuộc trò chuyện không đề cập đến kế hoạch chiến tranh. Phó Chánh văn phòng Taylor Budowich mạnh mẽ tuyên bố The Atlantic “ĐÃ NÓI DỐI”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell cũng gọi bài báo là “trò lừa bịp”, cho rằng Bộ trưởng Hegseth chỉ “cập nhật tình hình” cho nhóm. Tuy nhiên, một số nhân vật trong chính quyền cho rằng cách tiếp cận này là sai lầm. “Hãy thừa nhận sai lầm, sa thải Mike Waltz và tiếp tục công việc”, một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng nói thẳng.
Giới quân sự và Quốc hội lên tiếng
Các quan chức quân sự bày tỏ lo ngại về cách chính quyền xử lý vụ rò rỉ. Một cựu quan chức quân đội từng điều phối các chiến dịch nhận định, ông “sốc” khi Bộ trưởng Hegseth gửi thông tin thời gian tấn công vào điện thoại cá nhân của các quan chức chỉ vài giờ trước khi chiến dịch diễn ra. “Tiết lộ thời gian tấn công là hành động vô trách nhiệm nghiêm trọng”, ông nói, “Bất kỳ ai không thuộc phe MAGA hay được Fox News bảo vệ đều có thể bị truy tố”.
Ngay cả trong Lầu Năm Góc, nhiều người cũng không hài lòng. Một quan chức quân sự tiết lộ “những người trong nhóm chat thực sự nghĩ rằng họ không làm gì sai”, và nhận định rằng Bộ trưởng Hegseth sẽ cố gắng “coi như không có chuyện gì xảy ra”.
Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa cũng chia rẽ về vụ việc. Tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện, các quan chức an ninh hàng đầu—bao gồm Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và Giám đốc CIA John Ratcliffe, cả hai đều tham gia nhóm chat—bị chất vấn về việc chính quyền khẳng định rằng, thông tin chia sẻ qua Signal “không được phân loại”.

Giám đốc CIA John Ratcliffe và Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard phát biểu trong phiên điều trần ngày 25/3. Ảnh: Andrew Harnik/Getty Images.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 25/3, ông John Ratcliffe thừa nhận rằng “bất kỳ cuộc thảo luận nào về một cuộc tấn công trước khi ra quyết định đều phải được thực hiện qua các kênh bảo mật”.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Roger Wicker cho biết, ông và thành viên cấp cao Jack Reed đang yêu cầu Tổng Thanh tra Lầu Năm Góc điều tra vụ việc và tổ chức một phiên họp báo mật. Tuy nhiên, ông Wicker cũng nhấn mạnh rằng cuộc tranh cãi “đang làm lu mờ” thành công của chiến dịch quân sự. “Tôi đã từng phạm nhiều sai lầm trong đời và tôi học được rằng, cách tốt nhất là thừa nhận chúng”, ông Wicker nói, “Tôi nghĩ chính quyền cũng nên làm vậy, từ cấp dưới cho đến Tổng thống”.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/so-suat-ro-ri-tin-mat-mike-waltz-de-mat-ghe-317552.htm