Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương kỷ niệm 20 năm thành lập
Ngày 30/6, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (thành phố Hải Dương), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1/7/2003 - 1/7/2023).
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Thực cho biết, cách đây 20 năm, ngày 1/7/2003, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định số 1593/QĐ-UB về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương được thành lập trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực địa chính, bao gồm đất đai, đo đạc bản đồ cùng với tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về các lĩnh vực khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước thuộc các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Khi mới thành lập, hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành còn chưa đầy đủ, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chỉ có 99 người, với 7 phòng chuyên môn và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc sở. Trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.
Đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương có 6 phòng chuyên môn, 1 chi cục và 5 đơn vị sự nghiệp với tổng số 343 cán bộ công chức, viên chức và người lao động, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2003. Hệ thống tổ chức quản lý của ngành ngày càng ổn định, trong đó có 12 phòng Tài nguyên và Môi trường ở cấp huyện với 77 cán bộ công chức, viên chức và người lao động; 327 công chức địa chính ở cấp xã.
Trong mỗi thời kỳ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 54 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực của ngành.
Bên cạnh đó, cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Sở đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính ở từng khâu, từng bước…
Vì vậy, nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa, qua đó giảm thiểu chi phí, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết công việc được quan tâm, đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ và viễn thám, lưu trữ thông tin cũng đạt được được những kết quả quan trọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng chúc mừng và biểu dương những nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường Hải Dương trong suốt 20 năm qua.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị trong thời gian tới, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh, tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến đất đai để thống nhất và tháo gỡ các nội dung còn bất cập. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án, thẩm định đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số để đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp và liên thông.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tiếp cận quản lý theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, cải cách triệt để, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành tài nguyên và môi trường. Cùng với đó, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.