Sổ tay: Tiến tới hải quan số
Theo thống kê của ngành hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 23%; số thuế xuất nhập khẩu thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 22%. Trong bối cảnh đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan không tăng. Điều này, đòi hỏi ngành đứng trước yêu cầu phải tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động.
Đến nay, toàn bộ các thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia; thời gian xử lý hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây. Ngành cũng đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (xấp xỉ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện). Trong đó, có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua Internet.
Đơn cử, Hệ thống xử lý dữ liệu nghiệp vụ hải quan (VCIS) được áp dụng từ năm 2014 đến nay đã thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, áp dụng khoảng hơn 1 triệu chỉ số tiêu chí/năm các loại, phân loại mức độ tuân thủ, đánh giá xếp hạng rủi ro đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhâp khẩu. Tính đến 15.3.2022, hệ thống này đang theo dõi đánh giá hơn 182.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm thông suốt phân luồng gần 100 triệu tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu.
Đây là những nền tảng để thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu được đặt ra như: 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ); đến năm 2030, ngành hải quan hoàn thành hải quan thông minh. Nghĩa là 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; toàn bộ cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý...
Để đạt được các mục tiêu được đề ra, cùng với việc thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trong Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, thủ tục được thực hiện giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; ngành hải quan cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Tuy vậy, để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ như: trí tuệ nhân tạo (AI) trong soi chiếu hàng hóa, kết nối internet vạn vật (IoT) trong giám sát hải quan; phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý doanh nghiệp xuất khẩu doanh nghiệp... thì ngành cũng phải đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain (hay dữ liệu số ở dạng chuỗi khối) để truy xuất nguồn gốc nông sản thì quá trình thông quan cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều. Và, đặc biệt giữa các bộ, ngành cần hoàn thiện Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và thực hiện đúng các quy định liên quan đến việc chia sẻ kết nối dữ liệu chuyên ngành.