Số thí sinh theo học các ngành STEM ngày càng đông

Một trong những thay đổi trong tuyển sinh đại học của năm 2024 so với các năm trước đây chính là sự tăng lên gần 20 nghìn thí sinh theo học các ngành STEM so với năm 2023 và được đánh giá là xu thế rất tích cực.

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025, 2026, khối đại học và cao đẳng sư phạm mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết, trong năm qua, công tác tuyển sinh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: hệ thống cơ bản ổn định, các trường và xã hội đã đồng hành cùng ngành giáo dục trong công tác tuyển sinh, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, do vậy, nhiều có nhiều chỉ số tốt hơn so với năm 2023.

Điều này phản ánh rõ nét về chất lượng đào tạo của các trường đại học đã được nâng lên, từ đó tạo được sự tin cậy của xã hội, số lượng người học đại học được nâng lên.

 Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng báo cáo tại hội nghị (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng báo cáo tại hội nghị (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tỷ lệ cơ sở đào tạo có thí sinh nhập học trên 80% là 71,38%, tăng hơn so với năm 2023. Con số này năm 2023 là 63,04%. Tỷ lệ số thí sinh nhập học tăng lên đạt 80,68%, năm 2023 là 78,24%, điều này phản ánh sự thành công của công tác tuyển sinh, cũng như hiệu quả của các cơ sở giáo dục.

Về các lĩnh vực, không có sự khác biệt nhiều so với năm 2023, nhưng có sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực STEM, tăng lên khoảng gần 20.000 so với năm 2023, thể hiện rõ nét sự dịch chuyển trong tiếp cận giáo dục đại học của người học cũng như niềm tin của xã hội với chất lượng đào tạo. Điều này cũng khẳng định sự đóng góp của giáo dục đại học trong tiến trình phát triển của đất nước.

Các phương thức tuyển sinh năm 2024 so với năm 2023 có sự đa dạng hơn, nhưng vẫn tập trung chủ yếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với xét tuyển học bạ.

Một số kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ đóng vai trò chủ yếu, với trên 80%.

Về điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Vụ trưởng Nguyễn Anh Dũng cho biết: Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT ngày 19/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định không còn xét tuyển sớm;

Phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để xét tuyển; công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển;

Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển; yổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển…

Theo dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2025, Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe ngày 21/7; từ 13/8 đến 17h ngày 20/8 tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển.

Kế hoạch tuyển sinh với các cơ sở đào tạo, từ ngày 15/6 - 22/8 hoàn thành cập nhật thông tin tuyển sinh vào hệ thống; hoàn thành công tác xét tuyển thẳng cập nhật lên hệ thống;

Tải dữ liệu, thông tin xét tuyển, tổ chức xét tuyển; hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Từ tháng 9 đến tháng 12/2025, xét tuyển bổ sung.

Kế hoạch tuyển sinh với các Sở GDĐT, từ ngày 21/4 - 20/7 hoàn thành việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu ưu tiên theo khu vực, đối tượng;

Xác nhận khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên cho thí sinh; hoàn thành nhập và rà soát kết quả điểm học tập, THPT trên cơ sở dữ liệu; cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển.

Với thí sinh, từ trước ngày 15/7 - tháng 9/2025 thực hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển; đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng; nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến; hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1; đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-thi-sinh-theo-hoc-cac-nganh-stem-ngay-cang-dong-post340703.html