Sở TN&MT TP.HCM đang hiểu sai về công nghệ Nano - Bioreactor?
Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho rằng, qua công văn gửi đến UBND TP.HCM, Sở TN&MT đang hiểu sai về công nghệ Nano – BioReactor Nhật Bản trong việc xử lý ô nhiễm.
Ngày 16/8, thông tin tới Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết: "Sở TN&MT TP.HCM hiểu chưa đúng hoặc hiểu sai về công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản trong xử lý ô nhiễm".
Ông Tuấn Anh cho hay, phía đơn vị không chủ động giới thiệu công nghệ để xử lý ô nhiễm nước một số kênh rạch ở TP.HCM.
“Hồ sơ giới thiệu công nghệ này là do một cán bộ của TP.HCM đề nghị nên đơn vị chúng tôi mới gửi” - ông Tuấn Anh nói.
Ông cho rằng Sở TN&MT TP.HCM có văn bản phủ nhận công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản mà JVE đang triển khai là không hợp lý, thiếu khách quan.
Cụ thể, qua công văn đề xuất, JVE khẳng định, nguyên lý của công nghệ Nano Bio - Reactor chủ yếu nằm ở 2 phần chính: Thiết bị tạo bọt khí mịn và tấm phân phối giữ bọt khí trong nước để duy trì lượng oxy hòa tan. Ngoài ra, công nghệ này cũng có khả năng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy với hiệu quả lên đến 25 năm.
Tuy nhiên, sau khi tham khảo các thông tin từ JVE cung cấp cũng như tài liệu trên internet, Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, thiết bị Nano-Bioreactor không thể có oxy vô tận, vì để hoạt động (máy tạo khí), thiết bị cần phải được cung cấp năng lượng. Năng lượng cung cấp ở đây là điện năng. Như vậy, nếu ngưng cung cấp điện cho thiết bị cũng đồng nghĩa là khả năng cấp bọt khí - oxi chấm dứt.
Thứ hai, khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm của máy Bioreactor còn phụ thuộc rất lớn vào quần thể vi sinh vật có trong nước. Nếu quần thể các vi sinh vật này không đủ số lượng thì khả năng phân hủy cũng sẽ giảm.
Mặt khác, việc kích hoạt các vi sinh vật có lợi và ức chế vi sinh vật có hại của công nghệ Nano - Bioreactor, có lẽ là kích hoạt vi sinh vật hiếu khí và ức chế vi sinh vật kị khí thông qua duy trì hàm lượng oxi hòa tan cao. Việc này tốt là sẽ làm giảm mùi hôi do quá trình phân hủy kị khi sinh ra. Tuy nhiên, cũng có bất lợi là sẽ không hoặc khó phân hủy các chất dinh dưỡng (các hợp chất nitơ, phốt pho) vốn có nhiều trong nước thải sinh hoạt.
Các chất dinh dưỡng này phải được xử lý trong điều kiện thiếu khí hoặc bằng các loại thực vật nước. Vì vậy, Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, giải pháp Nano - bioreactor cần kết hợp với việc sử dụng các loại thực vật nước mới mang lại hiệu quả. Đặc biệt, đối với nước kênh, rạch là dòng nước luân chuyển, rất khó đánh giá hiệu quả xử lý của thiết bị Nano-bioreactor. Chưa kể nếu không kiểm soát tốt nguồn thải vào kênh thì khả năng tái ô nhiễm sau khu vực đặt thiết bị là rất cao.
Ngoài ra, qua văn bản, Sở TN&MT TP.HCM cũng cho rằng, việc cho rằng công nghệ Bioreactor có khả năng cải tạo lớp bùn lắng trong quá trình sục khí là khó khả thi. Vì lớp bùn tại khu vực đặt thiết bị và lân cận có thể được cải tạo và giảm chiều dày nhưng bùn này có khả năng trôi và lắng đọng, tái trở thành bùn kị khí tại những khu vực cuối nguồn. Muốn cải tạo được lớp bùn này thì cần đặt nhiều thiết bị Bioreactor dọc theo kênh cho đến cuối nguồn (nếu cuối nguồn có kênh là sông với bờ rộng thì khó khả
Chuyên gia Nhật Bản cho rằng: "Toàn bộ nội dung trong văn bản số 6650/STNMT- KTTV của Sở TN&MT gửi đến UBND TP.HCM về đề xuất xử lý nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 của JVE là sai lệch, thể hiện đơn vị chưa hiểu gì về công nghệ xử lý ô nhiễm Nano – Bioreactor Nhật Bản. Việc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, việc cải tạo lớp bùn ở "cuối nguồn của kênh là bờ sông với bờ rộng khó khả thi" là sai".
"Ý kiến này thể hiện Sở TN&MT TP.HCM đang nói sai, bởi máy Nano của công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản có nhiều loại công suất, với máy có công suất 7.5kW có thể xử lý 7 hecta/máy. Công nghệ đã từng áp dụng xử lý ô nhiễm tại các dự án xử lý với khu vực rộng lớn, nên nhận định của Sở TN&MT TP.HCM là không chính xác và chưa hiểu hết về công nghệ Nano Nhật Bản", chuyên gia Nhật Bản thẳng thắn.