Sở TT&TT Tp.HCM triển khai hệ thống lắng nghe và giám sát nội dung trên mạng xã hội
Trước tình trạng nội dung phản cảm, câu views tràn lan trên mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, từ giám sát nội dung đến xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo vệ người dùng, đặc biệt là giới trẻ trước những nguy cơ từ không gian mạng.
Kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng xã hội
Mạng xã hội đang trở thành nơi giao tiếp và chia sẻ thông tin phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng này, hiện tượng nội dung giật tít, nhảm nhí và câu views cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Những nội dung này không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn tác động tiêu cực đến người xem, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên – những người chưa có đủ kỹ năng để phân biệt và chọn lọc thông tin.
Trước thực trạng đó, trao đổi với Người Đưa Tin mới đây, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM (TT&TT) cho biết, Sở đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, kiểm soát hiện tượng này.
Để đối phó với nội dung nhảm nhí, giật tít câu view trên mạng xã hội, Sở TT&TT đã triển khai hệ thống lắng nghe và giám sát nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube. Hệ thống này giúp theo dõi, rà soát các nội dung tiêu cực có thể gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và tình hình thông tin trên không gian mạng.
Sở TT&TT cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ nội dung vi phạm. Sở tập hợp thông tin về các kênh có nội dung xấu hàng tuần và gửi tới Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử để xử lý triệt để, đảm bảo rằng những nội dung tiêu cực không lan rộng.
Một trong những biện pháp quan trọng mà Sở TT&TT áp dụng là xử phạt hành chính đối với những cá nhân và tổ chức phát tán nội dung nhảm nhí. Các mức xử phạt được thực hiện nghiêm khắc, từ gỡ bỏ nội dung vi phạm đến cấm hoạt động trên nền tảng.
Những hành vi phát tán nội dung gây hại cho trẻ em hoặc có yếu tố phản cảm, đều bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thông tin trên không gian mạng. Điều này, không chỉ tạo ra tính răn đe đối với những người vi phạm, mà còn giúp bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước những nguy cơ từ nội dung mạng xã hội.
Tăng cường giáo dục và tuyên truyền
Ngoài các biện pháp kiểm soát trực tiếp, Sở TT&TT cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình giáo dục và tuyên truyền. Các trường học, gia đình được khuyến khích phối hợp với Sở để giáo dục học sinh về việc sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm.
Sở TT&TT đã phát hành Cẩm nang số với các hướng dẫn về khai thác thông tin an toàn và văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Sở cũng đẩy mạnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để lồng ghép kỹ năng số vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh có kiến thức để đối phó với nội dung xấu độc.
Trong nỗ lực tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, Sở TT&TT cũng phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử để làm việc với các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube. Sở yêu cầu các nền tảng này tăng cường giám sát và có chính sách kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với các nội dung nhắm đến trẻ em và thanh thiếu niên.
Ngoài các biện pháp từ phía cơ quan quản lý, Sở TT&TT cũng khuyến khích người dùng mạng xã hội chủ động báo cáo các nội dung vi phạm. Sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp các nền tảng mạng xã hội phát hiện và xử lý các nội dung tiêu cực một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Đồng thời, các cơ quan báo chí và truyền thông được khuyến khích phản ánh các trường hợp vi phạm, nhằm lan tỏa những thông tin tích cực và tạo nên một không gian mạng an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người.
Những biện pháp mà Sở TT&TT Tp.HCM triển khai đang tạo ra những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát nội dung trên mạng xã hội.
Việc tăng cường giám sát, xử lý nghiêm khắc và đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đang góp phần xây dựng một không gian mạng an toàn, văn minh hơn, đặc biệt là đối với giới trẻ. Đây là nỗ lực không chỉ từ cơ quan quản lý mà còn cần sự chung tay từ toàn xã hội để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ngày 26/9, Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đã công bố kiến nghị xử lý những kênh đăng video clip độc hại có nội dung nhảm nhí, câu view, ảnh hưởng đến giới trẻ. Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM cho biết, những nội dung phản cảm trên mạng xã hội đang vi phạm quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nhiều trường hợp cụ thể theo phản ánh của báo chí và người dân.
Các biện pháp phổ biến quy định pháp luật, quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật cũng đã được Sở thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, ông Vũ thừa nhận rằng để xử lý triệt để vấn nạn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ ngành từ trung ương đến địa phương. Hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện để nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực trong công tác quản lý nội dung trên mạng xã hội.
Khuynh Hà