Sở Tư pháp Thái Nguyên: 40 năm xây dựng và phát triển
Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 143/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp và quy định hệ thống tư pháp trong cả nước. Triển khai Nghị định trên, ngày 9/4/1982, UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) ban hành Quyết định số 87-QĐ/UB thành lập Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất công tác tư pháp trong toàn tỉnh.
Sau nhiều lần được kiện toàn, củng cố về tổ chức bộ máy, đến nay, theo Quyết định số 71/QĐ-UB ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tư pháp có 5 phòng chuyên môn và 4 đơn vị trực thuộc, có chức năng và nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những vấn đề, như: Công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài...
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp được quan tâm củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp là 74 người, trong đó có 72 người có trình độ đại học và trên đại học; 17 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 14 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Đảng bộ Sở Tư pháp có 5 chi bộ trực thuộc với 53 đảng viên...
Nhìn lại quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức của những năm đầu thành lập, ngành Tư pháp ngày càng trưởng thành về mọi mặt, tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vai trò đó được thể hiện rõ hơn trong những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, công tác tư pháp của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét: Ngành Tư pháp là nhân tố chủ lực tham gia xây dựng và hoàn thiện các thể chế phát triển kinh tế - xã hội, là “người gác cổng” trong xây dựng chính sách, pháp luật, trực tiếp tham mưu giúp UBND tỉnh cũng như phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương xử lý, tháo gỡ các vấn đề khó, “nóng” của tỉnh; hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện trên nhiều lĩnh vực trọng tâm, kịp thời phát hiện những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý thực sự là cầu nối đưa pháp luật đến với nhân dân, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật làm cơ sở để chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Những kết quả đạt được đã chứng minh sự lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp. Điều đó thể hiện sức mạnh, trí tuệ tập thể và sự đoàn kết nhất trí cao của các đơn vị trong Ngành, sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ.
Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đề ra nhiều mục tiêu lớn phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng tỉnh thành “một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội”, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho ngành Tư pháp ngày càng nhiều trọng trách hơn.
Nhận thức được điều đó, ngành Tư pháp đã và đang đề ra các chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, như: Chủ động tham mưu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực công tác ngành Tư pháp, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật và các hoạt động bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền nhằm xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, khả thi, ổn định, minh bạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành, cũng như tiếp nhận phản hồi, phản biện của xã hội trong quá trình thi hành pháp luật, từ đó có biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực thi pháp luật...
40 năm xây dựng và trưởng thành với những nỗ lực, cống hiến để được ghi nhận đã viết nên những trang sử của Ngành; những khó khăn, thách thức trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ luôn được các thế hệ lãnh đạo và từng cá nhân biến chuyển thành động lực để phấn đấu, rèn luyện; tinh thần vượt khó, cầu thị tiến bộ, không ngừng học hỏi, tâm huyết, sáng tạo trong tham mưu đã khiến cho mỗi nhiệm vụ của Ngành lan tỏa sâu rộng hơn. Để đến hôm nay, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã có chỗ đứng vững vàng, tâm thế tự tin, vai trò chủ động hơn khi tham mưu thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Tự hào với truyền thống vẻ vang của mình, toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp Thái Nguyên quyết tâm đổi mới, năng động, sáng tạo, đoàn kết vượt qua mọi thử thách, nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp và Nhân dân giao phó, cùng toàn tỉnh quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh.