Sợ virus corona, người châu Âu dè dặt với việc hôn má khi chào hỏi
Người đứng đầu chiến dịch chống virus corona ở Italy cho rằng văn hóa gần gũi khi giao thiệp - bằng việc hôn má, bắt tay hay ôm ấp - có thể góp phần khiến virus lây lan mạnh hơn.
Theo AP, những nụ hôn xã giao - phần không thể thiếu trong văn hóa chào hỏi ở một số vùng của châu Âu - đang trở thành vấn đề khó xử trong bối cảnh virus corona bùng phát ở lục địa già.
Thật khó để định hình lại một phong tục, đặc biệt là đối với những người miền Nam nồng nhiệt đã quen với những nụ hôn vào má, nhưng cả những người dân phía bắc vốn dè dặt hơn cũng đang cân nhắc lại việc có từ bỏ luôn cả những cái ôm và những cái bắt tay hay không.
Ủy viên đặc biệt của chính phủ Italy trong công cuộc chống dịch Covid-19, ông Angelo Borrelli, đã cho rằng truyền thống gần gũi khi chào hỏi của người Italy đã có thể góp phần khiến virus corona lây lan ở nước này, với gần 1.700 ca nhiễm và 34 trường hợp tử vong.
Tất nhiên là vẫn chưa có quy định chính thức nào được ban hành nhằm hạn chế những nụ hôn khi chào hỏi - thứ mà các nhà xã hội học cho rằng bắt nguồn từ văn hóa Địa Trung Hải của Italy, cũng như cấu trúc gia đình và xã hội gần gũi của nước này.
"Chúng ta có một đời sống xã hội tập thể rất màu sắc và ưa thể hiện tình cảm, chúng ta bắt tay, chúng ta trao nhau những nụ hôn và những cái ôm. Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn trong thời gian này nếu chúng ta không bắt tay, không đụng chạm quá nhiều, và cố gắng ít thể hiện tình cảm hơn, điều rất khác với bản thân tôi", ông Borelli nói với các phóng viên.
Tại nước Pháp láng giềng, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm 29/2 đã khuyến cáo người dân hạn chế những "la bise" - nụ hôn vào má khi chào hỏi - một phần trong văn hóa giao tiếp của nước này, cùng với việc hôn gió, hôn vào cằm hay cả việc bắt tay. Pháp hiện nay đã ghi nhận 130 ca nhiễm, và cũng từng khuyến cáo tương tự trong dịch cúm lợn cách đây 10 năm.
Tây Ban Nha, nước cũng có phong tục hôn má khi giao thiệp bình thường trong xã hội, chưa có khuyến cáo gì với người dân về việc này. Hiện Tây Ban Nha ghi nhận 84 ca nhiễm Covid-19 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.
Tại Đức, nơi trẻ em được dạy bắt tay người lớn, và việc bắt tay có chặt hay không được coi là dấu hiệu của sức mạnh về cá tính, các chuyên gia y tế và bác sĩ đang cố gắng thuyết phục người dân từ bỏ các thói quen đụng chạm xã giao.
Các bác sĩ tại bệnh viện Virchow ở Berlin không chỉ từ bỏ việc bắt tay các bệnh nhân, mà còn tích cực khuyến cáo họ không làm vậy với bất cứ ai, trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh tại nước này tăng lên gấp đôi trong vòng một ngày.
Các chuyên gia y tế từ lâu đã cảnh báo rằng việc bắt tay có thể là một con đường chủ chốt giúp virus corona lây lan.