Sở Xây dựng TP.HCM: Các tòa nhà cao tầng đều có quy chuẩn về chống động đất

Sau dư chấn động đất từ Myanmar, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết kết quả kiểm tra ngày 31-3 tại chung cư Diamon Riverside, quận 8, cho thấy chỉ mới phát hiện các vết nứt trên tường, chưa phát hiện nứt kết cấu cột, dầm, sàn.

Chiều 3-4, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng TP.HCM, đã thông tin về dư chấn động đất tại căn hộ Chung cư Diamon Riverside, quận 8.

Chưa phát hiện nứt kết cấu

Ông Phú cho biết sau khi xảy ra tình trạng rung lắc do ảnh hưởng của động đất từ Myanmar, Sở Xây dựng đã tiếp nhận thông tin và phối hợp UBND quận 8 khảo sát thực tế chung cư Diamon Riverside vào ngày 31-3.

“Đánh giá bước đầu, các vết nứt, bong tróc được ghi nhận có độ sâu và chiều dài khác nhau” – ông Phú nói.

 Tình trạng tường nứt tường ở chung cư Diamond Riverside. Ảnh: XC

Tình trạng tường nứt tường ở chung cư Diamond Riverside. Ảnh: XC

Theo ông Phú, Ban Quản trị chung cư sẽ phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, đánh giá an toàn đối với các cấu kiện, hạng mục công trình có xảy ra hiện tượng nứt theo phản ánh của cư dân.

Việc kiểm tra, đánh giá và xử lý để đảm bảo an toàn sẽ được thực hiện theo quy trình bảo trì công trình được quy định tại Nghị định 06/2021.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho đến khi có kết luận chính thức” – ông Phú thông tin và bày tỏ mong muốn người dân an tâm về tính an toàn tại chung cư.

Vị đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết ngoài trường hợp xảy ra tại chung cư Diamon Riverside ở quận 8, đến nay Sở Xây dựng chưa nhận được phản ánh khác tương tự.

Nói rõ hơn về tình trạng nứt tường tại chung cư này, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú thông tin do không đủ thời gian kiểm tra hơn 300 trường hợp phản ánh, nên không loại trừ có mảng tường bị nứt với tình trạng rất sâu, hở.

“Kết quả kiểm tra ngày 31-3 cũng như thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy mới phát hiện các vết nứt trên tường (có chức năng bao che, ngăn chia không gian), chưa phát hiện nứt kết cấu (cột, dầm, sàn)” – ông Phú nói.

Đại diện Sở Xây dựng nhìn nhận để đánh giá chính xác tình trạng kết cấu công trình, cần đơn vị có chuyên môn thực hiện.

Vì vậy, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, thống kê các công trình tập trung đông người trên địa bàn như cao ốc văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, chung cư, trung tâm thương mại bị ảnh hưởng dư chấn.

Từ kết quả thống kê, Sở sẽ yêu cầu các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, ban quản trị các công trình thuê đơn vị có năng lực kiểm tra kết cấu chịu lực của công trình để phát hiện hư hỏng. Đồng thời, đánh giá về việc đảm bảo an toàn chịu lực, đề xuất phương án khắc phục (nếu có) theo quy định.

Ngoài ra, phối hợp Công an TP rà soát các trang thiết bị, phương tiện, phương án cứu nạn cứu hộ, xử lý tình huống sự cố, tai nạn tại các công trình để đảm bảo an toàn cho người dân khi có sự việc phải thoát nạn.

"Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đang thực hiện các nội dung công việc nêu trên và sẽ có báo cáo gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15-4" - ông Phú khẳng định.

Quy định về an toàn chống động đất

Đối với việc áp dụng quy chuẩn xây dựng về chống động đất khi xây dựng các tòa nhà cao tầng, ông Phú nhấn mạnh việc xây dựng các tòa nhà cao tầng phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam, trong đó có các quy định về an toàn chống động đất.

"Các quy chuẩn này nhằm đảm bảo sự an toàn cho người và tài sản trong trường hợp xảy ra động đất" - ông Phú thông tin và cho biết các tiêu chuẩn chính bao gồm TCVN 9386:2012 về thiết kế công trình chịu động đất; TCVN 2737:2023 về tải trọng và tác động - tiêu chuẩn thiết kế.

Ngoài ra, còn có các quy định pháp luật khác liên quan đến thẩm tra, thẩm định thiết kế, có liên quan đến việc đảm bảo an toàn chống động đất.

Theo ông, khi có động đất hoặc dư chấn xảy ra, việc phòng ngừa thiệt hại chủ yếu phụ thuộc vào việc thực hiện các yêu cầu về thoát nạn, nên phải đảm bảo về trang thiết bị, phương tiện, phương án cứu nạn cứu hộ, phương án xử lý tình huống sự cố, tai nạn tại các công trình để đảm bảo an toàn cho người dân khi có sự việc phải thoát nạn, theo quy định tại Nghị định 50/2024.

Trước đó, đầu giờ chiều ngày 28-3, tại TP.HCM, người dân ở nhiều quận cảm thấy rung lắc như động đất, phải chạy ra khỏi tòa nhà.

Theo phản ánh của người dân tại chung cư Diamond Riverside (quận 8), sau khi xảy ra động đất tại Myanmar, nhiều căn hộ ở chung cư này có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Cụ thể, nhiều hành lang bị bong gạch lát sàn, tường nhiều căn hộ cũng xuất hiện vết nứt.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-xay-dung-tphcm-cac-toa-nha-cao-tang-deu-co-quy-chuan-ve-chong-dong-dat-post842424.html