Sở Y tế TP.HCM: 'Hiệu quả phòng bệnh của vaccine không có gì bàn cãi'

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết vaccine phòng Covid-19 giúp giảm tỷ lệ nhập viện lẫn nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh.

Chiều 15/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Vaccine không thể đạt 100% miễn dịch

Nhắc lại tình huống về thông tin một số ca mới nhập viện trên địa bàn dù đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh: "Hiệu quả phòng bệnh của vaccine không có gì bàn cãi, cả về mặt nghiên cứu khoa học và về thực tiễn".

Ông khuyến cáo người dân cần hiểu là tiêm đủ liều vaccine sẽ góp phần giảm lây nhiễm, hạn chế lây truyền SARS-CoV-2 cho người khác, ca chuyển nặng, tỷ lệ nhập viện lẫn tử vong đều giảm.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng có những số liệu đơn lẻ về ca bệnh nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine trước đó. Nhưng số liệu này không đại diện cho số đông. Mặt khác, vaccine phòng Covid-19 cũng không thể mang đến miễn dịch 100%.

 Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Duy Hiệu.

Trước đó, một số trang mạng xã hội chia sẻ thông tin không đầy đủ về trường hợp F0 ở TP.HCM đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn có diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Điều này khiến nhiều người lo lắng, thậm chí hiểu sai về hiệu quả của vaccine.

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh việc F0 có bệnh nặng, tử vong dù tiêm vaccine không phải tình huống bất thường hay phản ánh vaccine kém hiệu quả.

"Vaccine khiến việc lây lan giảm đi chứ không thể ngăn chặn triệt để. Và nó giúp người bệnh không bị nặng chứ không phải miễn nhiễm với virus", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng khẳng định nhờ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, tình hình dịch ở thành phố có sự thay đổi rõ rệt.

Ông nhấn mạnh 3 vấn đề người dân cần hiểu rõ về tác dụng thật sự của vaccine:

Thứ nhất, mục đích chính của vaccine Covid-19 không phải là làm giảm số mắc mà làm giảm số ca chuyển nặng và tử vong.

Thứ 2, TP.HCM có nhiều người đã tiêm vaccine. Do đó, chúng ta thấy số người tiêm vaccine bị bệnh nặng và bị tử vong nhiều. Điều này không có gì bất thường.

Thứ 3, người dân không nên hoang mang, bởi vaccine thực sự có hiệu quả giảm tử vong. Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan.

Cuối cùng, PGS Dũng kêu gọi xã hội phải bảo vệ người già, trường hợp có nguy cơ cao bằng cách tiêm mũi tăng cường cho họ sau 6 tháng.

Liên quan vấn đề vaccine, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết thêm TP.HCM đảm bảo đủ nguồn vaccine để tiêm cho người dân từ các địa phương trở về thành phố sinh sống và làm việc. Hiện thành phố cơ bản đạt tỷ lệ tiêm 100% mũi 1, mũi 2 cũng hơn 82%. Ông nhấn mạnh đây là tỷ lệ khá tốt.

Chấn chỉnh tình trạng chậm cấp thuốc cho F0

Tại họp báo, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết qua báo chí thông tin, cơ quan này đã nắm bắt được phản ánh của người dân, F0 về việc khi cần được tư vấn, chăm sóc, điều trị thì không liên lạc được với trạm y tế. Nhiều F0 cũng phản ánh họ không nhận được túi thuốc C (Molnupiravir).

Ông Hưng cho biết cơ quan này xác nhận tình hình trên và đã có văn bản nhắc nhở các địa phương. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, nhắc nhở, hướng dẫn nếu nhân viên y tế không nắm được thông tin xử lý đúng.

 Nhân viên y tế khám sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà. Ảnh: Hoàng Giám.

Nhân viên y tế khám sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà. Ảnh: Hoàng Giám.

Mới nhất, vào chiều 13/11, Sở Y tế TP.HCM đã mời 22 giám đốc của các Trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để quán triệt một lần nữa tinh thần là với tất cả F0 cách ly tại nhà, có điều kiện sử dụng túi thuốc, trạm y tế có nhiệm vụ phát thuốc không viện bất kỳ lý do nào. Cơ sở nào không phát phải bị xử lý.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân khi có bất kỳ thông tin liên quan việc chậm trễ được cấp thuốc, tư vấn thì phản ánh, Sở sẽ vào cuộc xác minh và xử lý trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đề xuất kích hoạt lại các khu cách ly trên toàn thành phố trước đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết mặc dù tình hình dịch ở thành phố tương đối ổn định, F0 tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố luôn chuẩn bị trước một bước, trên một mức để chủ động trong bất kỳ tình huống nào, thành phố cũng đáp ứng được.

Theo lộ trình thu hẹp các bệnh viện dã chiến, đến cuối năm, toàn thành phố còn 3 bệnh viện dã chiến. Như vậy, để chủ động khi có những trường hợp F0 cần được chăm sóc, điều trị, Sở Y tế đã đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến ở cấp quận, huyện, xem như đây là bệnh viện tầng 2.

"Đã có 8 quận, huyện triển khai bệnh viện dã chiến, quy mô 300-500 giường, sẵn sàng thu nhận, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa. Ngoài ra, cơ sở này còn để đảm bảo trường hợp phát hiện F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà", bác sĩ Hưng nói.

Song song việc kích hoạt khu cách ly quận, huyện, TP.HCM cũng đang tăng cường thành lập, thay thế nhân lực của Cục Quân y tại các trạm y tế lưu động.

Theo bác sĩ Hưng, tùy tình hình dịch, TP.HCM sẽ duy trì hoặc thành lập mới để tương xứng với số ca F0 cần chăm sóc. Số lượng trạm y tế lưu động sẽ quá nhiều để tránh lãng phí nhân lực cũng không quá ít gây quá tải.

Mới đây, ngành y tế thành phố đã phối hợp các địa phương chuẩn bị trạm y tế lưu động mới khi số ca F0 ở số địa phương tăng.

Tính đến 16h ngày 15/11, TP.HCM có 448.010 trường hợp F0 được Bộ Y tế công bố. Hiện, 12.179 bệnh nhân tiếp tục điều trị Covid-19, trong đó có 258 trường hợp nặng, thở máy. 11 ca được can thiệp ECMO.

Trong ngày 14/11, thành phố có 1.150 ca nhập viện, 713 người được xuất viện. Tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 263.458 người. Theo số liệu tổng hợp từ HCDC, thành phố có hơn 47.000 ca mắc Covid-19 trên tổng hơn 64.000 F0 đang điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ 73%.

Trong ngày, thành phố ghi nhận 45 ca tử vong. Tổng ca tử vong cộng dồn tại TP.HCM đến nay là 17.202 trường hợp. Về tiến độ tiêm chủng, tính đến ngày 14/11, tổng số mũi 1 được tiêm tại thành phố là 7.854.546, mũi 2 là 5.954.127.

Trong tuần vừa rồi, TP.HCM ở cấp độ dịch 2, trong đó có 10 địa phương đạt cấp độ 1, 11 địa phương đạt cấp độ 2, một địa phương ở cấp độ 3 là huyện Cần Giờ.

Ở cấp phường, xã, thị trấn, toàn thành phố có 161/312 địa phương đạt cấp độ 1. 146/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 5 địa phương đạt cấp độ 3.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-y-te-tphcm-hieu-qua-phong-benh-cua-vaccine-khong-co-gi-ban-cai-post1277533.html