Tiêm phòng vaccine không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế

Theo Bộ Y tế, để đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, hiện nay chưa quy định chi trả bảo hiểm y tế cho các loại vaccine như ngừa cúm, viêm phổi, viêm gan...

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: Tuấn Dũng.

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: Tuấn Dũng.

Bộ Y tế cho biết nhận được phản ánh về việc hiện nay nhu cầu tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe trong nhân dân rất cao, trong đó có người cao tuổi, cán bộ hưu trí (tiêm ngừa cúm, viêm phổi, viêm gan,...).

Tuy nhiên giá vaccine để tiêm ngừa khá cao, trong khi người cao tuổi, cán bộ hưu trí lại có thu nhập thấp, khó tiếp cận các dịch vụ tiêm ngừa này. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ, Quốc hội có chính sách hỗ trợ tiêm vaccine được thanh toán bảo hiểm y tế, giúp công tác phòng bệnh được tốt hơn.

Đối với vấn đề này, Bộ Y tế thông tin, hiện nay, các loại vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được Nhà nước chi trả thông qua ngân sách Nhà nước, giúp đảm bảo việc tiêm phòng cho trẻ em và một số nhóm đối tượng ưu tiên.

Tuy nhiên, những loại vaccine có chi phí lớn như tiêm ngừa cúm, viêm phổi, viêm gan,... thì hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn, được sử dụng để chi trả các chi phí liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, và chưa có quy định chi trả cho công tác phòng bệnh, bao gồm tiêm ngừa các loại vaccine trên.

“Việc bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế là cần thiết, trong khi mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay ở Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do đó, để đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, hiện nay chưa quy định chi trả bảo hiểm y tế cho các loại vaccine như đã nêu ở trên”, Bộ Y tế cho hay.

Theo Bộ Y tế, hiện nay việc mua sắm vaccine trong tiêm chủng mở rộng được thực hiện hằng năm, bao gồm nhu cầu sử dụng hằng năm và dự trữ trong 6 tháng theo quy định tại Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, kinh phí mua vaccine được bố trí trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kinh phí Chính phủ cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường trong quý 1. Việc mua sắm thực hiện trong quý 2 – 3. Đến quý 4, vaccine được phân bổ cho các địa phương để tổ chức tiêm chủng trong năm và gối đầu đề sử dụng trong đầu năm tiếp theo.

Giai đoạn 2021 – 2022, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc. Theo Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, ngân sách Trung ương vẫn tiếp tục bố trí kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2021 - 2022 tương tự như giai đoạn 2016 - 2020.

Từ năm 2023, theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước, các địa phương có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là năm đầu tiên các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ này, nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá...

Để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt vaccine trong tiêm chủng mở rộng, ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15, trong đó chỉ đạo bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, bảo đảm thống nhất, kịp thời, hiệu quả trong cả nước.

Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình.

Đối với năm 2024, để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho tiêm chủng, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng. Theo đó, ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 24,2 triệu liều vaccine các loại sử dụng trong Chương trình từ nguồn thu mua và viện trợ; hiện đã phân bổ 21,4 triệu liều theo kế hoạch cho các địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vaccine. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng, tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh khoanh vùng, không để bệnh lây lan.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tiem-phong-vaccine-khong-thuoc-pham-vi-thanh-toan-cua-bao-hiem-y-te.htm