Sở Y tế TP.HCM: Số ca F0 tại thành phố có thể tăng sau Tết

Ngành y tế thành phố nhận định số ca bệnh ca nặng cần thở máy, trường hợp tử vong do Covid-19 đang được kiểm soát.

Chiều 10/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM họp báo định kỳ thông tin tình hình dịch Covid-19.

Tính đến 18h ngày 9/2, có 515.816 người mắc Covid-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Hiện tại, 618 bệnh nhân được điều trị Covid-19, trong đó có 35 trẻ dưới 16 tuổi, 88 ca nặng đang thở máy, 13 người được can thiệp ECMO. Ngày 9/2, có 97 ca nhập viện, 39 ca xuất viện và 4 ca tử vong.

Người dân TP.HCM đã đón Tết bình yên

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau những năm dịch Covid-19 bùng phát, năm nay, toàn bộ người dân thành phố hưởng cái Tết Nhâm Dần trọn vẹn, nhờ sự chuẩn bị chu đáo và tuân thủ quy định phòng, chống dịch của người dân.

Qua biểu đồ theo dõi tình hình dịch của ngành y tế, trước Tết, số ca mắc duy trì ở mức 3 con số. Từ ngày 4/2 đến ngày 7/2, số ca nhiễm đã giảm chỉ còn ở mức 2 con số, đặc biệt, trong ngày 5/2, TP.HCM còn 24 ca nhiễm mới.

Sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày 8/2 đến 10/2, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhẹ, đến hôm nay là 242 ca.

"Vài ngày tới, ngành y tế nhận định số ca mắc Covid-19 sẽ tăng, nhưng theo dõi ca nặng, thở máy, tử vong không tăng, thậm chí sẽ giảm do quá trình điều trị tốt. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường tiêm vaccine cho người dân", bà Mai nhận định.

 Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Chuẩn bị giải thể bệnh viện dành riêng để điều trị F0 nhiễm Omicron

Về việc sắp xếp bệnh viện, Sở Y tế đã có văn bản trình UBND TP để tham mưu kế hoạch chuyển đổi công năng, duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị và trung tâm hồi sức Covid-19.

Trong đó, dự kiến, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) sẽ giải thể, hoàn thành sứ mệnh.

Lý giải về đề xuất này, bà Huỳnh Mai cho biết hiện tại, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã đến lúc hoạt động trở lại để đảm bảo chăm sóc sức khỏe người bệnh. Hiện tại, số bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 giảm dần và tiến tới bằng 0. Lãnh đạo Bệnh Chợ Rẫy cũng đề xuất hoàn thành sứ mệnh đối với bệnh viện này.

 Bên trong phòng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên trong phòng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Trường hợp người bệnh Covid-19 nhẹ còn điều trị tại bệnh viện này sẽ được chuyển đến một trong 2 Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ đóng cửa 3 bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến số 6, số 8 và số 12, những cơ sở được trưng dụng từ các tòa nhà Khu tái định cư Thủ Thiêm.

Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 12 vốn là nơi dành riêng điều trị ca nhiễm biến chủng Omicron.

"Bộ Y tế cũng chỉ đạo rằng việc quản lý ca nhiễm Omicron không chỉ riêng một bệnh viện dã chiến, mà người dân có thể đến các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí cách ly tại nhà nếu có nhu cầu và đủ điều kiện. Do đó, Bệnh viện dã chiến số 12 xem như cũng đã hoàn thành sứ mệnh và Sở Y tế sẽ tạm ngưng hoạt động bệnh viện này", bà Mai nói.

Hiện nay, ca mắc Covid-19 biến chủng Omicron tại TP.HCM vẫn dừng lại ở con số 92 trường hợp, chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong.

Trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn một từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 6 (từ 29/1 đến ngày 6/2), TP.HCM có 13.056 người đã được tiêm vaccine sau 9 ngày triển khai.

Trong đó, 10.679 người tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, 1.823 người tiêm mũi 2, 554 người tiêm mũi một. Giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục từ ngày 7/2 đến ngày 28/2, hướng đến mục tiêu mũi bổ sung và nhắc lại đạt tỷ lệ trên 80%.

Đặc biệt, các quận, huyện đã vận động, thuyết phục được 97 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi trước kia vì nhiều lý do đã trì hoãn việc tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm vaccine) tiêm vaccine trong đợt này. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM cũng sẵn sàng kế hoạch để tiêm vaccine cho trẻ 5-11 sau khi có chỉ đạo từ Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ cùng các đơn vị rà soát, lập danh sách, chuẩn bị đội tiêm từ bệnh viện nhi, thành lập đội cấp cứu để đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn.

TP.HCM tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ nhưng mở rộng đối tượng từ 50 tuổi trở lên.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-y-te-tphcm-so-ca-f0-tai-thanh-pho-co-the-tang-sau-tet-post1290961.html