Sở Y tế TPHCM lý giải về việc nhiều phòng khám bị đình chỉ vẫn hoạt động
Sở Y tế TPHCM cho rằng các cơ sở bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đình chỉ hoạt động nhưng vẫn mở cửa vì tại một địa điểm có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.
Đây là thông tin được bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP, do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức vào chiều 20-7.
Thời gian gần đây, ngành Y tế TPHCM đang mạnh tay hơn trong công tác kiểm tra chất lượng dịch vụ các phòng khám, thẩm mỹ viện. Trong thời gian ngắn, loạt phòng khám, thẩm mỹ viện có tên tuổi lần lượt bị đình chỉ hoạt động do có vi phạm. Tưởng chừng động thái này của cơ quan chức năng sẽ siết chặt được các sai phạm trong lĩnh vực y tế, song thực tế, sau khi bị xử phạt, các cơ sở này lại phớt lờ và có dấu hiệu "bành trướng" hơn.
Theo phản ánh của báo chí, nhiều cơ sở như Viện thẩm mỹ quốc tế Amelia (số 1501 đường 3/2, phường 16, quận 11); Thẩm mỹ viện Mailisa (số 86-88-92 Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận); Thẩm mỹ viện Grand Korea (số 2 Nguyễn Ngọc Lộ, phường 14, quận 10)... dù bị Sở Y tế TP.HCM ra thông báo đình chỉ nhưng vẫn hoạt động, nhận khách.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, các cơ sở sau khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đình chỉ hoạt động cơ sở sẽ được giao về phòng y tế các quận, huyện theo dõi giám sát việc chấp hành xử phạt của cơ sở. Giải thích cho việc các cơ sở bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn mở cửa, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết tại một địa điểm có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, về phía y tế chỉ đình chỉ hoạt động liên quan đến lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Các ngành nghề khác tùy theo hoạt động UBND hoặc sở ngành khác theo dõi quản lý.
Sở Y tế TP cho biết hiện nay hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn gồm 55 bệnh viện công lập, 66 bệnh viện tư (trong đó bệnh viện Ngọc Phú và bệnh viện Anh Minh đang chuyển đổi chức năng), 259 phòng khám đa khoa và khoảng 8.000 phòng khám chuyên khoa với số lượng chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế cấp là 47.121.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám chữa bệnh là 18.900.328 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó số lượt khám ngoại trú là 17.826.990 lượt, số lượt điều trị nội trú là 1.073.348 lượt. Đối với các đơn vị ngoài công lập, số lượt khám ngoại trú là 1.983.956 lượt (chiếm 11% tổng số), số lượt điều trị nội trú là 175.308 lượt (chiếm 16,3% tổng số).
Hàng ngàn căn hộ, đất nền tái định cư đang... "bỏ hoang"
Liên quan đến tình trạng các căn hộ chung cư tái định cư đang "bỏ hoang", Sở Xây dựng cho biết Thành phố hiện có 6.676 căn hộ và (4.153 căn hộ và 2.523 nền đất) đang được UBND các quận - huyện và thành phố Thủ Đức có kế hoạch sử dụng, hiệp thương đưa vào Phương án bồi thường bố trí tái định cư cho khoảng 450 dự án đầu tư công có giải phỏng mặt bằng; được dùng làm quỹ nhà dự phòng phục vụ tạm cư chung cư hư hỏng nặng, cháy nổ, sạt lở bờ sông. Ngoài ra, Thành phố hiện có 4.967 căn hộ và nền đất (4.927 căn hộ và 40 nền đất) đã được UBND TP có chủ trương bán đấu giá.
Lý giải cho việc tồn tại nhiều căn hộ tái định cư "bỏ hoang", đại diện Sở Xây dựng cho biết theo Điều 86 Luật Đất đai, Điều 35 Luật Nhà ở, việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng khu tái định cư. Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường phải thông báo phương án tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi, trong đó nêu rõ địa điểm quy mô, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà ở phục vụ tái định cư để hộ dân lựa chọn hoặc nhận nhà để tái định cư hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới.
Do đó, các dự án tái định cư đều phải được đầu tư trước khi có thông báo thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, nhằm có thời gian xây dựng hoàn thành và đảm bảo đủ nguồn nhà phục vụ tái định cư cho toàn bộ người dân bị ảnh hưởng, để các đối tượng này lựa chọn và quyết định hình thức tái định cư theo quy định.