Soái hạm Moskva chìm gợi lại những trận hải chiến khốc liệt từ Thế chiến 2

Tàu tuần dương tên lửa của Nga là chiếc tàu chiến có lượng choán nước lớn nhất từng bị chìm trong chiến tranh kể từ khi con tàu huyền thoại Yamato bị chìm.

Soái hạm Moskva tham gia cuộc tập trận hải quân ở Sevastopol, ngày 31/7/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Soái hạm Moskva tham gia cuộc tập trận hải quân ở Sevastopol, ngày 31/7/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Soái hạm Moskva, tuần dương hạm dài 186m, rộng 21m, lượng giãn nước 12.500 tấn, là tàu chiến lớn nhất tính theo lượng giãn nước bị chìm trong chiến sự kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Là tàu chiến chủ lực của Hạm đội Biển Đen, Soái hạm Moskva mang giá trị biểu tượng lớn bên cạnh vai trò thực chiến. Vụ chìm tàu này gợi nhớ lại những trận hải chiến khốc liệt trong quá khứ.

Lần gần nhất Nga mất một soái hạm trong thời chiến là trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật giai đoạn 1904-1905. Phía Nhật Bản đã đánh chìm tàu chiến Hoàng tử Suvorov trong trận chiến ở Tsushima mà Nga thất bại. Dưới đây là những vụ chìm tàu chiến nổi bật trong thế kỉ 20.

Tàu chiến Yamato và Musashi của Nhật Bản

Thiết giáp hạm Yamato và chiếc tàu chị em có tên Musashi, là tàu chiến lớn nhất và được trang bị mạnh nhất của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cả hai tàu này đều bị chìm sau các đòn tấn công của Mỹ ở những năm cuối của cuộc chiến.

Thiết giáp hạm Yamato có tải trọng toàn tải trên 70.000 tấn. Ảnh: Getty Images

Thiết giáp hạm Yamato có tải trọng toàn tải trên 70.000 tấn. Ảnh: Getty Images

Thiết giáp hạm Yamato có chiều dài 263 m và lượng giãn nước toàn tải hơn 70.000 tấn, thuộc loại lớn nhất trong lịch sử. Chỉ các tàu sân bay được Mỹ phát triển sau Thế chiến II mới có lượng giãn nước lớn hơn lớp Yamato. Yamoto là tên gọi để chỉ Nhật Bản trong thời lập quốc, vì thế thiết giáp hạm này có thêm ý nghĩa biểu tượng, tương tự như Soái hạm Moskva của Nga.

Yamato bị đánh chìm ngày 7/4/1945, khi đang di chuyển từ vùng biển Nhật Bản đại lục đến đảo Okinawa, trong sứ mệnh nỗ lực cuối cùng để bảo vệ hòn đảo này trước đòn từ Mỹ. Lực lượng không quân của Nhật Bản trước đó đã bị tê liệt, tạo điều kiện để máy bay chiến đấu của Mỹ ném bom, thả thủy lôi tấn công tàu Nhật Bản mà không gặp phải kháng cự nào.

Hàng chục thủy lôi cùng bom do máy bay Mỹ phóng xuống đã khiến tàu Yamato bị trọng thương và chìm nhanh, khiến phần lớn thủy thủ đoàn 3.000 người thiệt mạng. Bốn tàu khu trục cùng một tàu chiến hạng nhẹ của Nhật Bản cũng bị đánh chìm. Trước đó 6 tháng, thiết giáp hạm Musashi cũng bị máy bay Mỹ đánh chìm trong trận chiến Leyte Gulf ở vùng biển Philippines, trận hải chiến quy mô lớn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Chiến hạm Yamato chìm đánh dấu điểm kết thúc của trận chiến hải quân lớn cuối cùng ở Thái Bình Dương. Chiến tranh chấm dứt sau đó bốn tháng, sau khi Mỹ ném hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Chiến hạm Bismarck và Tirpitz của Đức

Thiết giáp hạm Bismarck và Tirpitz là cặp tàu chiến chị em, mẫu tàu chiến lớn nhất mà một quốc gia châu Âu sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tàu có lượng choán nước toàn tải 50.000 tấn. Chiếc Bismarck đảm được giao nhiệm vụ tấn công đoàn tàu tiếp tế từ Mỹ đến châu Âu, nhưng chỉ sống sót sau đúng một chiến dịch.

Chiến hạm Bismarck vào năm 1940. Ảnh: Getty Images

Chiến hạm Bismarck vào năm 1940. Ảnh: Getty Images

Cụm tàu chiến của Anh đã tấn công thiết giáp hạm Bismarck gần đảo Iceland vào ngày 24/5/1941. Tàu chiến của Đức chìm xuống biển sau khi bị máy bay và tàu chiến của Anh truy kích thêm ba ngày nữa. Khoảng 2.000 thủy thủ đoàn trên tàu thiệt mạng. Chiếc Tirpitz còn lại bị máy bay chiến đấu của Anh ném bom và chìm khi đang ở cảng Na Uy vào tháng 11/1944.

Tàu tuần dương General Belgrano của Argentina

Soái hạm Moskva chỉ lớn hơn chút ít so với tuần dương hạm General Belgrano – con tàu lớn nhất từng bị đánh chìm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chiếc General Belgrano gặp nạn và chìm ngày 2/5/1982, một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến tranh Falklands giữa Anh và Argentina.

Tàu ngầm của Anh bắn hai quả ngư lôi đánh chìm tuần dương hạm General Belgrano trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982. Ảnh: AP

Tàu ngầm của Anh bắn hai quả ngư lôi đánh chìm tuần dương hạm General Belgrano trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982. Ảnh: AP

Quân Anh đã đẩy lui kế hoạch của Argentina đối với quần đảo Falklands. Tàu ngầm nguyên tử HMS Conqueror của Anh đã phóng hai trái thủy lôi nhằm trúng tuần dương hạm của Argentina, khiến tàu chìm, làm 300 thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Đòn tấn công của Anh gây tranh cãi, bởi nó xảy ra ở địa điểm nằm ngoài vùng 200 hải lý do Anh áp đặt quanh quần đảo Falklands, nhưng một lần nữa cho thấy thế thống trị của hải quân Anh trong các cuộc xung đột.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (WSJ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/soai-ham-moskva-chim-goi-lai-nhung-tran-hai-chien-khoc-liet-tu-the-chien-2-20220417080312953.htm