Soạn thảo 06 Nghị định và 01 Thông tư trình Chính phủ để thực thi các luật liên quan đến đầu tư
Đẩy mạnh phân quyền theo tinh thần 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm' là một trong 3 nguyên tắc quan trọng được quán triệt khi sửa Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Cùng với đó là 2 nguyên tắc tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian phát triển; cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
3 nguyên tắc trên vừa được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm chia sẻ với báo giới.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, mục tiêu nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển, đặc biệt là phân quyền cho địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã phân quyền quyết định điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng cho Bộ trưởng được giao tổ chức lập quy hoạch và quy hoạch tỉnh cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh; phân quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia cho Bộ trưởng và quy hoạch tỉnh cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong công tác quy hoạch theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Luật còn bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định giữa các quy hoạch Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Luật cũng đã sửa đổi các nội dung để đơn giản hóa các trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đặc biệt, để bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, phản ánh đúng tính chất định hướng của quy hoạch, xóa bỏ rào cản trong đầu tư kinh doanh, Luật Quy hoạch đã sửa đổi quy định “Danh mục dự án” thành “Danh mục dự kiến” các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Ngoài ra, các nội dung được sửa đổi cũng đã góp phần tháo gỡ các khó khăn trong công tác quy hoạch hiện nay như: Quy định cho phép sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch và từng hoạt động liên quan đến quy hoạch; Đơn giản hóa công tác báo cáo quy hoạch giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong quản lý quy hoạch; Bảo đảm sự thống nhất với pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quy hoạch (Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất khoáng sản; Luật Điện lực; Luật Thủy lợi).
Về sửa đổi Luật Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt nhằm tăng cường phân quyền, tinh giản quy trình, thủ tục, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với các dự án này.
Bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao… tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Nhà đầu tư đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Còn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư và mức đầu tư tối thiểu để mở rộng lĩnh vực và tạo cơ chế linh hoạt trong thu hút đầu tư, xem xét áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư; dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao.
Cho phép tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trên cơ sở khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này. Đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án và đẩy mạnh phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án cho các địa phương.
Luật Đấu thầu được sửa đổi để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa hơn nữa quy trình, thủ tục nhằm đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, gồm: giao Chính phủ xem xét, quyết định trước khi ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn, phù hợp với thực tiễn trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt nhằm bảo đảm linh hoạt trong điều hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án, đồng thời không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư để phù hợp với yêu cầu phát triển đặt ra trong giai đoạn tới.
Cho phép đấu thầu trước đối với các dự án ODA theo yêu cầu ràng buộc của nhà tài trợ và các dự án khác để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Cho phép cơ sở y tế công lập được tự quyết định mua sắm đối với việc mua thuốc, thiết bị y tế để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên của cơ sở y tế công lập, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ để tạo sự chủ động, linh hoạt cho nhà thuốc bệnh viện, bảo đảm chất lượng, phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ soạn thảo để Chính phủ ban hành 06 Nghị định và ban hành 01 Thông tư.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm
Cụ thể gồm các dự thảo: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư về thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ; Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt; Thông tư biểu mẫu điều 36a về Thủ tục đầu tư đặc biệt của Luật Đầu tư./.