Sốc: khủng long 66 triệu tuổi sở hữu thứ tưởng chỉ có ở con người
Một chú khủng long kỷ Phấn Trắng đã khiến giới cổ sinh vật học kinh ngạc một loại mô lạ ở đuôi – thứ trước đây người ta tin rằng chỉ gặp ở bệnh nhân ung thư.
Hóa thạch được tìm thấy ở Công viên Khủng long tỉnh Alberta (Canada) là một chú khủng long kỷ Phấn Trắng tuổi đời 66 triệu năm. Ở đuôi của sinh vật này, một loại mô lạ đã được tìm thấy và kết quả cho thấy đó là khối u của bệnh mô bào Langerhans (LCH), một dạng ung thư tưởng chỉ xuất hiện ở con người.
Nghiên cứu vừa công bố trên Scientific Reports cũng cho biết hóa thạch này thuộc về một loài khủng long mỏ vịt hadrosaur nhỏ sống ở Bắc Mỹ. Giống loài này sinh trưởng mạnh nhất trong khoảng 66 – 80 triệu năm về trước. Vào mốc 66 triệu năm trước, vụ va chạm tiểu hành tinh nổi tiếng đã giết chết chúng cùng toàn bộ loài khủng long trên trái đất.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv (Israel) đã dùng micro-CT để quét các đốt sống trong hóa thạch, một kỹ thuật cho ra những hình ảnh chụp cắt lớp có độ phân giải cực cao. Sau đó, họ đã tái tạo một mô hình máy tính 3D các khối u và mạch máu đã nuôi dưỡng nó.
Vậy là sau 66 triệu năm, kết quả "pháp y" thần kỳ cho thấy đúng là chú khủng long đã mắc LCH. LCH không phải một căn bệnh lạ, tuy khá hiếm gặp nhưng đã được phát hiện từ lâu, là dạng ung thư chủ yếu phát hiện ở trẻ em dưới 10 tuổi. Nhưng đây là lần đầu tiên bệnh được phát hiện ở… khủng long.
Việc một căn bệnh có thể tồn tại trong giới sinh vật hơn 60 triệu năm, với các dấu hiệu hầu như y hệt, giữa 2 loài hoàn toàn khác biệt nhau là rất đáng kinh ngạc.
Giáo sư Israel Hershkovitz, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Những kết quả này đóng góp quan trọng và thú vị cho y học tiến hóa, một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, tìm hiểu sự phát triển và hành vi của bệnh tật theo thời gian". Theo ông, điều này sẽ giúp giải mã nguyên nhân, cơ chế của một số căn bệnh rõ ràng hơn, từ đó giúp chúng ta phát triển các phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn.