Sốc phản vệ sau tiêm thuốc tê làm đẹp

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 44 tuổi, vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi nhiều, tức ngực, khó thở, tình trạng bệnh xuất hiện sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc tê (Lidocain) để tiêm filler mũi tại spa chui.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa oxy máu không bảo đảm.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sỹ được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sỹ được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.

Ngay lập tức bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.

Sau khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiến triển nặng tổn thương đa cơ quan (hô hấp, cơ tim, gan, rối loạn đông máu), phải kết hợp nhiều thuốc vận mạch với liều cao tăng dần, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Tiến Sơn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép của bộ y tế và có đội ngũ bác sỹ chuyên ngành gây mê-hồi sức nhiều kinh nghiệm, và cần phải tự trang bị cho bản thân các kiến thức cơ bản về các dấu hiệu của phản vệ với thuốc tê.

Bác sỹ Sơn cảnh báo, hiện nay tồn tại rất nhiều cơ sở mở "chui", người hành nghề không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng. Vì thế, các tai biến có nguy cơ cao xảy ra.

Tại các cơ sở y tế thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ do hậu quả của những spa "chui" này, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo trên mạng để rồi tiền mất tật mang. Trong các bệnh nhân vào viện với biến chứng sau làm đẹp, biến chứng do tiêm filler chiếm số lượng tương đối lớn.

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Một số triệu chứng gợi ý tình trạng phản vệ như: Mày đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.

Phản vệ trong khi gây mê, gây tê phẫu thuật thường chẩn đoán khó vì người bệnh đã được gây mê, an thần và các triệu chứng ngoài da có thể không xuất hiện nên không đánh giá được các dấu hiệu chủ quan.

Vì vậy, cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng trước khi tiến hành gây tê, gây mê phẫu thuật và đánh giá kỹ các triệu chứng như tụt huyết áp, nồng độ oxy máu giảm, mạch nhanh, ran rít mới xuất hiện, biến đổi trên monitor.

Một số thuốc gây tê là những hoạt chất ưa mỡ, có độc tính cao khi vào cơ thể gây nên một tình trạng ngộ độc nặng giống như phản vệ có thể tử vong trong vài phút, cần phải điều trị cấp cứu bằng thuốc kháng độc (nhũ tương lipid) kết hợp với adrenalin vì không thể biết được ngay cơ chế phản ứng là nguyên nhân ngộ độc hay dị ứng.

Nhũ tương lipid ngoài tác dụng hoạt động như xe chuyên chở để lấy sạch thuốc tê khỏi các cơ quan có lưu lượng máu cao nhạy cảm nhất với ngộ độc thuốc tê toàn thân và phân phối lại cho các cơ quan dự trữ và giải độc thuốc, còn có tác dụng cải thiện co bóp tim, cung lượng tim, lưu lượng máu và huyết áp thông qua tác dụng trên mạch máu và tim, kích hoạt con đường bảo vệ tim mạch.

Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng phản vệ với thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời

Cũng về tai biến sau khi tiêm filler, mới đây Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe vú hai bên do tiêm filler ngực.

PGS-TS.Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh đến viện trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, khám lâm sàng tuyến vú thấy nhiều khối u cục kích thước to nhỏ khác nhau ở toàn bộ tuyến vú 2 bên.

Tuy nhiên, kết quả siêu âm thông thường không cho thấy hình ảnh rõ ràng vị trí của các khối này, chính vì vậy các bác sỹ đã phải chỉ định chụp phim cộng hưởng từ MRI 3.0 Breast Coil chuyên dụng cho vú.

Trên phim chụp vú hiện đại nhất này các bác sỹ đã xác định rất nhiều khối trong ngực có hình dạng như các cục “u filler” tạo thành nhiều lớp, rải rác khắp ngực cả trong tuyến vú và nguy hiểm hơn là rất nhiều vị trí trong cơ ngực lớn.

Người bệnh được chẩn đoán là áp xe ngực với các khối u filler khắp nơi nguy cơ cao do tiêm filler nâng ngực và chọc hút filler làm cho vi khuẩn ở bên ngoài đưa vào cơ thể. Biểu hiện sốt rét run của chị T. báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng.

Một trường hợp khác bị tai biến thẩm mỹ phải vào cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là chị Đ.T.N (30 tuổi, Hà Tĩnh). Chị N. hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản.

Chị đi tiêm filler làm đẹp tại một cơ sở Spa chuyên làm đẹp da và móng tại Nhật Bản. Khi mới chỉ tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa.

Chị N. ngay lập tức được tiêm thuốc giải nhưng chị vẫn cảm thấy khó chịu nôn nao không đỡ. Buổi chiều hôm ấy chị đã tới bệnh viện để kiểm tra, được bác sĩ khám, không can thiệp gì và dặn về nhà theo dõi thêm tình hình sẽ ổn hơn sau 1 tháng.

Nhưng chị càng thêm lo lắng khi ngày hôm sau chị thấy mắt đỏ lên nhiều, tiếp tục đến bệnh viện để cấp cứu khi ấy mắt đã phù nề áp lực cao và không còn nhìn thấy rõ nữa. Ngày tiếp theo chị đau tức hơn nhiều, kết giác mạc phù nề, ngấm máu khắp nơi, con mắt lúc đó gần như mù toàn bộ và dường như chỉ muốn rơi ra ngoài.

Quá lo lắng về bệnh tình của mình, chị quyết định đặt vé trở về Việt Nam để điều trị. Trở về Việt Nam, chị N. đến bệnh viện mắt, sau đó chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau 6 ngày tiêm filler.

PGS-TS.Nguyễn Hồng Hà cho hay, người bệnh đến viện trong tình trạng mắt phải phù nề căng tím đỏ, thị lực gần như mất hoàn toàn, chỉ còn phân biệt được sáng tối 1 cách khó khăn, sụp mi rõ, cơ vận nhãn trong liệt hoàn toàn.

Các bác sỹ nhận định đây là ca tai biến rất nặng sau tiêm filler gây biến chứng đến hệ mạch máu của mắt dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu. quy trình cấp cứu khẩn cấp đa chuyên khoa của bệnh viện được khởi động ngay lập tức.

Bệnh nhân được tiêm ngay các loại thuốc giảm áp lực ổ mắt, thuốc giãn mạch và tăng cường tuần hoàn tổ chức, thở oxy liều cao, 2 loại kháng sinh toàn thân phối hợp.

Và một loạt các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất được thực hiện ngay lập tức. Kết quả hình ảnh cho thấy võng mạc bệnh nhân phù nề gấp 2 3 lần bình thường, khối cơ vận nhãn trong và tổ chức mỡ cạnh nhãn cầu có dấu hiệu thiếu máu, phù nề nguy cơ hoại tử toàn bộ. Lưu lượng máu động mạch đến ổ mắt mắt bên phải giảm rất nhiều so với bên lành.

Với ca tai biến sau tiêm filler, theo bác sỹ Nguyễn Thị Hương Giang, một thành viên của kíp cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi người tiêm filler không phải là bác sỹ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và nhất lại chỉ là nhân viên spa tiêm filler thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao.

Thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não, nếu tắc mạch não gây đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng còn nếu tắc động mạch mắt nhất là động mạch trung tâm võng mạc thì sẽ gây mù mắt, diện tích da, cơ mỡ xung quanh phần cấp máu của các nhánh mạch quanh ổ mắt cũng sẽ vì thế mà hoại tử gây biến dạng nặng nề cho khuôn mặt.

Do động mạch trung tâm võng mạc không có các vòng nối phong phú như trên da nên một khi bị tắc hiện tượng hoại tử các tế bào thần kinh dẫn đến mù mắt sẽ diễn ra rất nhanh.

Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sỹ được đào tạo và có kiến thức đày đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại với quy trình cấp cứu phối hợp đa chuyên khoa hoàn chỉnh để có thể cấp cứu cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.

Hiện nay ngay cả trên thế giới mới chỉ chỉ có hai - ba trung tâm lớn có thể triển khai được quy trình cấp cứu đa chuyên khoa giúp người bênh có thể hồi phục thị lực do biến chứng mạch máu sau tiêm filler.

Do filler ngày càng được tiêm tràn lan và rất khó quản lý nên số lượng bệnh nhân gặp biến chứng mù mắt ngày càng tăng, ước tính có hàng trăm ca trên thế giới đã được ghi nhận.

Tuy nhiên, mới chỉ có rất rất ít ca các bác sỹ có thể cứu hồi phục lại được thị lực như ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Rất nhiều các người dân kể cả các bác sỹ, nhân viên y tế trên thế giới cũng không biết đến hoặc không nghĩ rằng có thể cứu chữa được biến chứng này.

Chính vì vậy rất nhiều bệnh nhân được chuyển đến viện cấp cứu muộn, kể cả bệnh nhân tai biến ở nước ngoài hầu như cũng không được cấp cứu bài bản và đầy đủ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/soc-phan-ve-sau-tiem-thuoc-te-lam-dep-d225487.html