Sóc Trăng: Chủ tọa bệnh đột xuất, phiên tòa xử 2 cán bộ QLTT tiếp tục không tuyên án được
Lần thứ hai liên tiếp, HĐXX đã 'lỗi hẹn' việc tuyên án vụ 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ', xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng vì chủ tọa 'bệnh đột xuất'.
Sáng 12.7, nhiều luật sư, bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT, nay là Cục QLTT) tỉnh Sóc Trăng đã tỏ ra "ngơ ngác" khi HĐXX không đến phòng xét xử để tuyên án như thông báo sau giờ nghị án ngày 9.7.
Gần 8 giờ, cổng rào phòng xử án được mở, Chánh án TAND TP.Sóc Trăng là thẩm phán Lâm Tấn Vinh thông báo chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Quốc Định bệnh đột xuất nên không thể tuyên án.
Chủ tọa bệnh đột xuất
Ông Vinh sau đó cho thư ký gửi đến mọi người thông báo 3 trang do ông Vinh ký vào ngày 10.7, về việc "Dời ngày tuyên án vụ án hình sự". Cuối thông báo này có nội dung ngày 10.7, chủ tọa Nguyễn Quốc Định có gửi đơn báo bệnh đột xuất nên không thể tuyên án như dự kiến.
3 ngày trước, ông Định cùng 2 hội thẩm xuất hiện trong buổi sáng dự kiến tuyên án (lần thứ nhất). Tuy nhiên, vị chủ tọa này sau đó thông báo phiên tòa phải quay lại phần xét hỏi vì đại diện Viện KSND đưa ra "chứng cứ mới".
Thông báo về việc chủ tọa bệnh - Ảnh: Hàm Yên
Chứng cứ mới mà HĐXX đưa cho 2 bị cáo và những luật sư bào chữa là thông báo số 3559 do trung tướng Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) ký ngày 10.8.2015. Nội dung công văn có nội dung: "Đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang đã bút phê đồng ý đề xuất của Tổng cục An ninh về thực hiện thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT)".
Đáng chú ý là thông báo được lãnh đạo Tổng cục An ninh ký gần 4 năm nhưng cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án vì cơ quan công tố cho rằng đây là "văn bản nghiệp vụ".
Sau khi HĐXX nghị án ngày 2.7, thì ngày 3.7, công văn này mới được thiếu tá Trịnh Đức Nhỏ, Phó phòng Tham mưu Công an tỉnh Sóc Trăng "sao y bản chính" gửi cho TAND TP.Sóc Trăng, chứ không phải gửi cho Viện KSND TP.Sóc Trăng hay Viện KSND tỉnh Sóc Trăng.
Kiểm sát viên Nguyễn Văn Phước, người được Viện KSND tỉnh Sóc Trăng "biệt phái" tham gia phiên tòa do Viện KSND TP.Sóc Trăng ra cáo trạng, đã bảo lưu quan điểm thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng, khi viện dẫn thông báo 3559. Vì vậy, công tố viên bảo lưu việc truy tố 2 bị cáo Châu Hoài Phương (41 tuổi, nguyên Chi cục phó Chi cục QLTT) và Ung Văn Thanh (36 tuổi, nguyên kiểm sát viên).
Bác bỏ quan điểm của Viện KSND, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ, bào chữa cho bị cáo Châu Hoài Phương) khẳng định thông báo 3559 là văn bản của Tổng cục An ninh chứ không phải của Bộ Công an. Về hình thức, đây chỉ là thông báo, không phải văn bản quy phạm pháp luật và hoàn toàn trái với điều 17 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự.
Luật sư còn đối chiếu điều 23, Thông tư 28/2014 ngày 7.7.2014 của Bộ Công an, trong trường hợp này thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan Cảnh sát điều tra chứ không phải ANĐT.
"Như vậy, quá trình điều tra của Cơ quan ANĐT Công an Sóc Trăng thu thập chứng cứ trong vụ án này để làm cơ sở truy tố là trái luật. Thông báo 3559 không phải là chứng cứ mới", luật sư Đức nói.
Hoãn tuyên án với nhiều tình tiết đáng nghi ngờ
Trong thông báo dời ngày tuyên án của TAND TP.Sóc Trăng cho thấy chủ tọa Nguyễn Quốc Định gửi đơn cáo bệnh sau ngày nghị án lần 2 chỉ 1 ngày. Hôm đó (9.7), mọi người dự tòa đều thấy sức khỏe ông Định rất tốt, điều khiển phiên tòa bình thường nhưng sau đó cáo bệnh khiến việc nghị án, tuyên án bị dừng lại.
Như vậy, chỉ với vụ án liên quan 2 cán bộ QLTT mà thời gian xét xử, nghị án đến gần 20 ngày mà HĐXX vẫn chưa đưa ra phán quyết về "số phận pháp lý" của 2 bị cáo. Trong khi đó, dư luận đang tập trung quan tâm về việc luật sư khẳng định Cơ quan ANĐT Công an Sóc Trăng thụ lý điều tra vụ án là sai thẩm quyền nên mọi chứng cứ thu thập được đều không có giá trị.
Càng bất ngờ hơn khi sáng nay đến giờ tuyên án mà mọi người không thấy bóng dáng của cán bộ cơ quan công tố và các giám định viên. Như vậy, có thể họ đã nhận được thông báo của TAND TP.Sóc Trăng và "biết trước" bệnh tình của chủ tọa nên không cần phải đến tòa sáng nay.
Cổng rào phòng xử án đóng lại rất nhanh - Ảnh: Hàm Yên
Theo hồ sơ vụ án, tháng 3.2016, Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do ông Phương làm trưởng đoàn. Đoàn này sau đó lấy mẫu 3 loại phân bón của 1 doanh nghiệp ở TX.Ngã Năm để gửi xét nghiệm.
Sau 2 lần kiểm nghiệm mẫu phân bón, kết quả cho thấy sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì, đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại và kết quả đạt. Cáo trạng cho rằng Thông tư của Bộ Khoa học - Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3.
Tuy nhiên, ông Phương bị cho là "muốn củng cố uy tín cá nhân" nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai. Còn ông Thanh thì giúp việc cho ông Phương, nên cũng bị cáo buộc với vai trò đồng phạm. Khi có kết quả đạt, đoàn kiểm tra mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 148 bao phân để bán ra thị trường, gây thiệt hại đến người sử dụng phân bón.
Sau 7 tháng bị tạm giam, tháng 1.2018, ông Phương và ông Thanh được tại ngoại. Cả 2 làm đơn kêu oan, cho rằng họ không phạm tội như nội dung cáo trạng nêu.
Nhiều người theo dõi phiên tòa và quá trình điều tra của vụ này đều nói đây là một vụ "kỳ cục án". Nếu như các cơ quan tố tụng thấy có "khuyết điểm" nào đó thì nên nhận lấy, trả lại sự trong sạch cho các bị cáo chứ không thể "đeo bám" mãi để tìm cách buộc tội các bị cáo. Hơn nữa, gần đây Sóc Trăng là tỉnh có nhiều án oan được dư luận đề cập đến.