Sóc Trăng: Chuyển biến tích cực trong triển khai Dự án 8 ở huyện Trần Đề
Việc triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' được hội viên, phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, đồng tình hưởng ứng; đồng thời bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Bà Huỳnh Như Ý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết, trên địa bàn huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ thực tế cho thấy hiện vẫn còn có tình trạng bất bình đẳng giới khi người phụ nữ còn lam lũ, lo cơm nước, an phận trong gia đình; có tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Không ít trẻ em phải nghỉ học để mưu sinh để hỗ trợ cho kinh tế gia đình.
Theo bà Như Ý, việc triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 thực sự cần thiết và bước đầu cũng đã có những chuyển biến tích cực.
+ Bà có thể cho biết một số chỉ tiêu chính của Dự án 8 của giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025 sẽ được thực hiện trên địa bàn huyện?
Bà Huỳnh Như Ý: Trong giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025 của Dự án 8, Hội sẽ triển khai thực hiện ra mắt 16 Tổ truyền thông cộng đồng tại 16 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn; tổ chức 16 buổi truyền thông cộng đồng về bạo lực gia đình, bình đẳng giới với sự tham gia của 50 người/buổi; xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số.
Đồng thời, thực hiện chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó, tổ chức truyền thông định kỳ trên loa phát thanh xã, ấp hoặc trên mạng xã hội. Hỗ trợ, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng nhân các ngày lễ như Quốc khánh 2/9, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10…
Hội cũng sẽ nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó sẽ củng cố, nâng cao chất lượng của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, nạn nhân bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, thí điểm và nhân rộng mô hình sinh kế hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị mua bán trở về.
+ Vậy trong thời gian qua, việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn đã đạt những kết quả cụ thể nào?
Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong thời gian qua, Hội đã tổ chức triển khai ra mắt được 16 Tổ truyền thông cộng đồng. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới... Vào tháng 11/2022, mô mình điểm Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi đã được ra mắt tại Trường THCS Thạnh Thới An và Nhà Văn hóa sinh hoạt cộng đồng Hưng Thới (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề). Hiện nay, Hội đang nhân rộng mô hình tại các điểm trường ở các xã thực hiện Dự án. Đặc biệt, sẽ tìm cách để đa dạng các hình thức sinh hoạt, hoạt động để hiệu quả của câu lạc bộ tốt hơn.
Tới đây, Hội cũng sẽ tổ chức đối thoại về đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát để củng cố, hỗ trợ các địa chỉ tin cậy.
+ Trong quá trình thực hiện Dự án, Hội có những thuận lợi, khó khăn gì?
Về thuận lợi, Hội LHPN huyện nhận ược sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng. Khi triển khai Dự án, chúng tôi thấy rằng hội viên, phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số rất đồng tình, phấn khởi.
Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp khó khăn như cán bộ Hội chưa nói được tiếng dân tộc để tổ chức các hoạt động truyền thông. Do vậy, việc tiếp thu về Dự án của hội viên phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ dân tộc có phần còn hạn chế. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn trong bước đầu, còn về lâu dài khi có nguồn lực để đào tạo thì công tác truyền thông sẽ hiệu quả.
Sắp tới, Hội LHPN huyện dự kiến sẽ xây dựng nhiều cách truyền thông, thay đổi phương cách truyền thông để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.