Sóc Trăng: Đổi thay vùng đồng bào dân tộc Khmer miệt biển Vĩnh Châu

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer miệt biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã và đang đổi thay từng ngày...

Từ các nguồn vốn lồng ghép với các chương trình góp phần diện mạo phum sóc miệt biển Vĩnh Tân, tỉnh Sóc Trăng thêm khởi sắc. (Ảnh: Phương Nghi)

Từ các nguồn vốn lồng ghép với các chương trình góp phần diện mạo phum sóc miệt biển Vĩnh Tân, tỉnh Sóc Trăng thêm khởi sắc. (Ảnh: Phương Nghi)

Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là thị xã ven biển có đông đồng bào dân tộc thiểu số (gần 53% là đồng bào dân tộc Khmer). Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm; nhiều chương trình, dự án lồng ghép khác cũng đã được thực hiện, góp phần cho vùng quê xứ biển ngày thêm khởi sắc.

Vĩnh Châu đang đổi thay

Trước khi xây dựng nông thôn mới, kinh tế – xã hội của thị xã còn khó khăn nhất của tỉnh. Trong đó, có đến 8/9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và bãi ngang; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 18,71 triệu đồng/năm; hộ nghèo chiếm gần 25%; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân còn nhiều hạn chế...

Tuy nhiên, bằng tất cả sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Vĩnh Châu đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, thị xã Vĩnh Châu có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Vĩnh Hiệp được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã Vĩnh Châu đã huy động trên 1.976 tỷ đồng, cùng với vốn lồng ghép các chương trình, dự án và đóng góp của người dân.

Qua đó, diện mạo các xã nông thôn đã có nhiều đổi mới tích cực. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trên lĩnh vực nông nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại, dịch vụ.

Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn chuyển dịch mạnh theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và tiêu thụ hàng nông sản xanh, sạch, an toàn thực phẩm; tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn”.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hợp tác xã thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho xã viên. (Ảnh: Phương Nghi)

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hợp tác xã thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho xã viên. (Ảnh: Phương Nghi)

Là vùng ven biển, nhắc đến Vĩnh Châu, đầu tiên phải kể đến các mô hình nuôi tôm công nghệ cao được liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của trang trại nuôi tôm Tân Nam, hợp tác xã thủy sản Hòa Nghĩa, hợp tác xã thủy sản Toàn Thắng, khu sản xuất tôm giống chất lượng cao Việt Úc tại xã Vĩnh Hải...

Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hành tím Vĩnh Châu với diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn và năm 2020, sản phẩm hành tím Vĩnh Châu đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Artemia Vĩnh Châu là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước, được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, còn nhiều loại nông sản đặc trưng khác như củ cải trắng, nhãn xuồng cơm vàng, tỏi Vĩnh Châu, mãng cầu ta...

Đời sống đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc

Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm; nhiều chương trình, dự án lồng ghép khác cũng đã được thực hiện, góp phần cho vùng quê xứ biển ngày thêm khởi sắc.

Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm trên 62%), năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo trên 50%. Hôm nay, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, nhiều nhà tường được xây mới, đường giao thông nông thôn bê tông đến từng các phum sóc, hệ thống kênh thủy lợi được nạo vét thường xuyên nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi tôm, artemia…

Bà Thạch Thị Tha ở ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân không giấu được niềm vui khi chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương, bà chia sẻ: “Nhớ những ngày đất nước mới giải phóng, Vĩnh Tân như là một vùng đất biệt lập, không đường, không nước sạch, không điện, đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe...

Bây giờ, đường sá được bê tông đến tận các ấp, toàn nhà tường, nhà nhà đều có xe honda muốn đi đâu cứ lên xe chạy một chút là tới nơi. Còn điện, nước sạch kéo đến từng nhà để sinh hoạt, rất thuận lợi”.

Đang thu hoạch hành tím của mình, anh Tăng Kim Sái ở ấp Âu Thọ, xã Vĩnh Hải phấn khởi nói: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Được chính quyền hỗ trợ xây được một căn nhà theo Chương trình 134. Từ đó, gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất.

Đến năm 2014, gia đình tôi bắt đầu nuôi một con bò lai sind và thuê vài công đất để trồng màu, hành tím, trồng cỏ. Đến nay, đàn bò của tôi đã phát triển được 20 con. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển”.

Niềm vui của anh nông dân Khmer Tăng Kim Sái ở ấp Âu Thọ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu với vụ hành tím bội thu “trúng mùa – được giá”. (Ảnh: Phương Nghi)

Niềm vui của anh nông dân Khmer Tăng Kim Sái ở ấp Âu Thọ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu với vụ hành tím bội thu “trúng mùa – được giá”. (Ảnh: Phương Nghi)

Ông Nguyễn Thanh Liêm Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu nói: “Nhiều công trình hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu ở nông thôn được tập trung nâng cấp, xây dựng mới. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Đến cuối năm 2021 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2,8 lần so với năm 2011 (đạt 52,38 triệu đồng/người/năm), hộ nghèo giảm còn 1,3%, cận nghèo giảm còn 9,71%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; lao động có việc làm thường xuyên đạt gần 95%; tỷ lệ hộ có điện sinh hoạt đạt trên 99%...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”.

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư kịp thời, đồng bộ của Đảng, Nhà nước và ý thức tự vươn lên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer miệt biển Vĩnh Châu đã và đang đổi thay từng ngày. Diện mạo nông thôn được “khoác áo” mới đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao.

Phương Nghi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/soc-trang-doi-thay-vung-dong-bao-dan-toc-khmer-miet-bien-vinh-chau-184781.html