Sóc Trăng: Giúp đỡ 50% hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

Chỉ trong vòng 5 năm (2019-2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 8.215 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,1%/năm (từ 15.890 hộ nghèo xuống còn 8.526 hộ).

Trước những kết quả khích lệ này, báo ĐTTC đã có buổi phỏng vấn ông Dương Sà Kha, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng về một số kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

 Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng

Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng

PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong thực hiện công tác an sinh xã hội của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh nhiệm kỳ qua?

Ông DƯƠNG SÀ KHA: - Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham mưu ban thường vụ cấp ủy cùng cấp tổ chức đợt cao điểm vận động Quỹ Vì người nghèo (18-10 đến 18-11) để tạo nguồn kinh phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Theo đó, giai đoạn 2019-2024, MTTQ Việt Nam các cấp vận động Quỹ Vì người nghèo được 431,26 tỷ đồng.

Từ nguồn quỹ đã triển khai hỗ trợ triển khai xây dựng mới, sửa chữa 8.215 căn nhà ở cho hộ nghèo khó khăn, bức xúc về nhà ở; vận động 556,239 suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, với tổng trị giá 237,73 tỷ đồng.

Ngoài ra, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, tổ chức tôn giáo đã vận động thực hiện các hoạt động an sinh, từ thiện xã hội với tổng trị giá trên 1.450 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2021-2023 toàn tỉnh đã vận động, hỗ trợ xây dựng được 5.346 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự phấn khởi trong nhân dân.

Bên cạnh đó, Quỹ cứu trợ của tỉnh đã tiếp nhận trên 129,35 tỷ đồng (tăng gấp 6 lần so với nhiệm kỳ trước) để giúp đỡ nhân dân trong tỉnh, đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên bị thiên tai, bão lũ...

Trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã huy động nguồn lực rất lớn từ nhân dân để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch...

 Bàn giao nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

Bàn giao nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

- Xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua?

- MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội. Hàng năm, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, phối hợp với chính quyền ưu tiên lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến người dân, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để tổ chức giám sát, phản biện xã hội.

Nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức 712 cuộc giám sát (cấp tỉnh 29 cuộc, cấp huyện 120 cuộc, cấp xã 563 cuộc); tham gia cùng các ngành có liên quan tổ chức 830 cuộc giám sát, chủ yếu tập trung các nội dung có liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật, xây dựng nông thôn mới, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội... Chủ trì tổ chức 279 cuộc hội nghị góp ý, phản biện các văn bản dự thảo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp (cấp tỉnh 18 cuộc, cấp huyện 43 cuộc, cấp xã 218 cuộc)….

Sau giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội đều có văn bản gửi đến đơn vị được giám sát và các cơ quan được giám sát có văn bản trả lời đầy đủ, rõ ràng. MTTQ Việt Nam cũng đã kiến nghị chính quyền cùng cấp quan tâm giải quyết những vấn đề thuộc nhiều vấn kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân như: giải tỏa đền bù, tái định cư, vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, khám, chữa bệnh, học phí, bầu các chức danh chủ chốt của chính quyền cấp xã...

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội còn giám sát việc giải quyết những kiến nghị của các thành viên MTTQ Việt Nam đã đặt ra trong các kỳ họp HĐND các cấp.

 Bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

- Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh đến nay đạt được kết quả như thế nào?

- Quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, đã tạo thành phong trào sôi nổi, hưởng ứng tích cực, đồng thuận cao của người dân trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đến nay, toàn tỉnh có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện hoàn tất hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn; 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 17 đô thị văn minh.

Từ những kết quả đạt được, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,1%/năm. Thống kê năm 2019, toàn tỉnh có 15.890 hộ nghèo, 36.313 hộ cận nghèo, nhưng đến cuối năm 2023 chỉ còn 8.526 hộ nghèo và 21.653 hộ cận nghèo.

- Xin cảm ơn ông.

TUẤN QUANG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/soc-trang-giup-do-50-ho-ngheo-vuon-len-thoat-ngheo-post116106.html