Sóc Trăng khuyến khích xã hội học tập - Học không bao giờ cùng
Đồng hành cùng học sinh bước vào năm học mới, cuối tháng 8/2024 vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cũng long trọng tổ chức trao học bổng khuyến học, khuyến tài tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên có tinh thần vượt khó hiếu học và đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên Sóc Trăng hưởng ứng chương trình trao học bổng 'Học không bao giờ cùng' do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động.
Học bổng "Học không bao giờ cùng" với mục đích hỗ trợ và động viên kịp thời các nhân tố điển hình trong học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo lời dạy của Bác Hồ. Qua đó, vun đắp truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, góp phần quan trọng để các thế hệ người Việt Nam nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, nuôi dưỡng khát vọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo ông Lâm Sao - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, Lễ trao học bổng Lương Định Của - Học không bao giờ cùng và tri ân các đơn vị tài trợ năm 2024 vừa qua là sự kiện hết sức quan trọng trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh nhà.
Bên cạnh hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tập tốt bước vào năm học mới, hội còn tranh thủ trao học bổng khuyến tài cho tập thể, cá nhân học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Trong đó, có những suất học bổng được hỗ trợ đến 20 triệu đồng (học sinh đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 1 tập thể học sinh đạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023 - 2024).
Đặc biệt, năm nay Hội Khuyến học tỉnh còn trao 14 suất học bổng “Học không bao giờ cùng” (2 triệu đồng/suất) nhằm biểu dương các cô chú, anh chị là người lớn trong gia đình, dòng họ tiêu biểu về tinh thần học tập thường xuyên, học suốt đời, học để nâng cao kiến thức, phát triển kinh tế đời sống gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Cô Trần Thị Kim Hoa - cán bộ hưu trí, ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết: “Cô rất xúc động khi được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng”. Bởi đây là sự ghi nhận rất xác đáng cho những gia đình có sự quyết tâm nỗ lực cho con cái học hành. Hai con gái của cô đều học đại học, hiện có công việc ổn định. Đến các cháu cũng đã và đang học đại học”. Riêng bản thân cô Hoa dù đã lớn tuổi nhưng khi được vận động học các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn cô cũng đều tham gia. Theo cô, dù ở tuổi nào thì cũng cần phải học để trau dồi thêm kiến thức. Từ đó, mình nhắc nhở, dạy bảo con cháu noi theo, cũng như thuận lợi hơn khi đi vận động các gia đình tham gia học tập nâng cao kiến thức, trình độ, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Còn cô Đoàn Thị Thu Mơ, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chia sẻ: “Vợ chồng cô là nông dân, hồi trước hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đường sá đi lại cũng không thuận tiện. Nhưng cô chú quyết tâm cho 3 đứa con ăn học nên người. Hiện giờ trong nhà luôn cả dâu, rể là cô có 5 đứa làm giáo viên. Còn cô dù lớn tuổi nhưng cũng học hỏi kinh nghiệm để nuôi tôm - trồng lúa, phát triển kinh tế gia đình. Cô thật xúc động khi được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng”, bởi nó là động lực, là niềm vinh dự lớn lao cho bản thân cô và gia đình. Có được danh hiệu này, cô càng khuyến khích con cháu mình nỗ lực học tập hơn nữa”.
Theo lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Sóc Trăng đã vận động quỹ học bổng đạt trên 32 tỷ đồng, đã tổ chức trao trên 22.300 suất học bổng các loại cho học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học tiêu biểu, học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. Đồng thời vận động xây dựng 26 căn nhà khuyến học cho học sinh khó khăn về nhà ở để các em yên tâm học tập tốt, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, mỗi đối tượng được nhận học bổng đều có những hoàn cảnh khác nhau. Có em sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhiều cơ hội để học tập tốt hoặc ngược lại, có những em mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, trở ngại trong học tập, trong cuộc sống. Nhiều anh chị, cô chú là người lớn trong gia đình, dòng họ luôn ý thức tự học tập thường xuyên để nâng cao kiến thức đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thoát nghèo bền vững… Tuy vậy, nhưng tất cả đều có điểm chung là ý thức phấn đấu tự học, nghị lực vươn lên từ sự học để có kiến thức lao động để thoát nghèo và đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội, noi theo tấm gương học tập sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là niềm vinh dự không chỉ riêng cho ngành giáo dục tỉnh nhà, mà còn chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài, tạo động lực, khích lệ tinh thần hiếu học trong học sinh, sinh viên và người lớn học tập thường xuyên, học suốt đời, học để phát triển bản thân, gia đình và xã hội.
Tin rằng, với ý nghĩa của phong trào “Học không bao giờ cùng” của các cấp hội khuyến học sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Từ đó, góp phần bồi đắp tri thức đối với học sinh, sinh viên tích lũy kiến thức để trở thành công dân ưu tú của đất nước; đối với người lớn thì học tập thường xuyên để tiếp thu tri thức mới, sự tiến bộ khoa học công nghệ để vận dụng vào sự phát triển đời sống kinh tế gia đình và xã hội.