Sóc Trăng: Mưa lớn gây sạt lở đường giao thông nông thôn
Ngày 2-8, do ảnh hưởng cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều trận mưa lớn đã gây sạt lở bờ sông nhiều nơi. Tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, mưa to và thủy triền dâng đã làm lún sụt đất gây sạt lở một đoạn đường, nhấn chìm hơn 40m lộ bê-tông và hai chiếc ghe của người dân xuống sông.
Ngày 2-8, do ảnh hưởng cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều trận mưa lớn đã gây sạt lở bờ sông nhiều nơi. Tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, mưa to và thủy triền dâng đã làm lún sụt đất gây sạt lở một đoạn đường, nhấn chìm hơn 40m lộ bê-tông và hai chiếc ghe của người dân xuống sông.
Nhận được tin báo, lực lượng phản ứng nhanh của Ban Chỉ đạo PCTT của tỉnh và chính quyền địa phương khẩn trương xuống địa bàn ứng phó, khắc phục. Chủ tịch UBND xã Song Phụng Phan Văn Nhã cho biết, nằm ở ven sông Hậu, Song Phụng là một trong những khu vực đặc biệt nguy hiểm, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất rất cao. Địa phương thường xuyên khảo sát địa chất và tuyên truyền cho người dân chủ động phòng tránh rủi ro.
Cách đây hơn mười ngày, đã xuất hiện điểm sạt lở nằm trên tuyến lộ ấp Phụng An, bị nước xoáy, cuốn làm sạt lở vào bờ 5m, chiều dài 28m, lở gần vào đến lộ bê tông 3m.
Riêng vụ sạt lở rạng sáng 2-8 đã gây thiệt hại nặng cho ba hộ dân là bà Phạm Thị Hiếu, Phạm Thị Bảy và hộ ông Lý Thanh Bình, đồng thời là gián đoạn giao thông đường liên ấp của địa phương.
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo cho biết, trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại khu vực tỉnh Sóc Trăng diễn biến phức tạp, xu hướng ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Trong năm qua, các địa phương như: Long Phú, Kế Sách, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng bị sạt lở bờ sông, bờ kênh, bờ biển với tổng chiều dài 2.156m, làm 19 căn nhà bị sụt lún. Bên cạnh đó, triều cường đã làm 26.522m bờ bao, đường giao thông ở Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và Mỹ Tú bị ngập và sạt lở; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại và gần 400ha rừng phòng hộ bị cuốn trôi.