Sóc Trăng: Nông dân phấn khởi vì mía được mùa, được giá
Thời điểm này, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đang bước vào vụ thu hoạch với tâm trạng phấn khởi vì mía trúng mùa, được giá.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Vụ mía năm nay, toàn huyện có 2.700ha, giảm hơn 2/3 so với những năm trước. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã An Thạnh Nam, An Thạnh 3, An Thạnh 2, An Thạnh Đông và Đại Ân 1.
Theo ông Nguyễn Văn Đắc, nguyên nhân diện tích trồng mía tại địa phương giảm là do giá mía giảm sâu, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con nông dân. Từ đó, địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển một phần diện tích đất mía kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây ăn trái hay các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bà Trương Hồng Phượng, nông dân trồng mía tại ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 5 ha trồng mía bán cho nhà máy đường Sóc Trăng theo hợp đồng. Nhà máy thu mua mía theo chữ đường (độ đường), nếu đạt 10 chữ đường thì giá 1.320 đồng/kg, nếu cao hơn hoặc thấp hơn 10 chữ đường thì thêm hoặc giảm 100 đồng/chữ đường. Năng suất mía năm nay khá cao, bình quân đạt 100-120tấn/ha.
Tiền chi phí vận chuyển nhà máy chịu trách nhiệm thanh toán cho nông dân. Bên cạnh đó, nhà máy cũng hỗ trợ trước cho người trồng mía 10 triệu đồng/ha. Nhân công đốn mía thì người trồng mía chịu phí.
"Năm nay, giá nhân công đốn mía khá cao, nếu ruộng mía gần bến thì mỗi tấn mía cây mình trả cho người đốn mía từ 220.000 - 240.000 đồng/tấn, còn xa hơn thì từ 300.000 - 320.000 đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, nhà nông lời khoảng 60-70 triệu đồng/ha. Giá mía năm nay nhích lên so với vụ trước”.
Ông Trần Văn Măng (ấp Sáu Thử, xã Đại Ân 1) cho biết, những năm trước, do trồng mía không lời, thậm chí lỗ nặng nên nhiều nông dân bỏ mía đào ao nuôi tôm nhưng không thành nên một số hộ lại lấp ao tôm trồng mía. Bản thân gia đình tôi cũng vậy, nuôi tôm lỗ nên vụ vừa rồi tôi lấp ao trồng mía cho năng suất cao, được giá.
Bên cạnh những hộ trồng mía bán cho nhà máy đường Sóc Trăng, ở Cù Lao Dung còn có nhiều hộ trồng mía lấy nước để bán cho thương lái, cho thu nhập cao.
Bà Trần Thị Loan (ngụ ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1) cho hay, gia đình bà trồng 2 công (2.000m2) mía lấy nước và bán toàn bộ cho thương lái với giá 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi khoảng 20 triệu đồng cho 2 công mía.
Ông Phạm Văn Thôi (ấp Sáu Thử, xã Đại Ân 1) cho biết: Ông trồng 7.000m2 mía lấy nước và đã bán cho thương lái với giá 20 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/công.
“Mía bán lấy nước thương lái mua nguyên ruộng, tùy theo chất lượng mía nên có giá từ 17-23 triệu đồng/công. Sau khi mình trồng, khoảng trước tết Nguyên đán, thương lái sẽ đến xem và chốt giá mua hết cả ruộng mía. Họ đặt cọc cho mình, đến tầm tháng 3 dương lịch là thu hoạch. Mía lấy nước này chủ yếu được đưa lên Tp.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và sang Campuchia làm nước giải khát”, ông Thôi chia sẻ thêm.
Lý giải vì sao người nông dân trồng mía bán lấy nước giải khát chứ không trồng mía bán cho nhà máy đường, một nông dân chia sẻ với báo Công an nhân dân, chi phí, thời gian trồng mía lấy nước và mía bán cho nhà máy tương đương nhau, nhưng công chăm sóc mía lấy nước nhiều hơn vì phải cho đất vào gốc tránh đổ ít nhất là 2 lần/vụ, lại phải làm sạch lá ít nhất 2-3 lần.
Bên cạnh đó, trồng mía bán cho nhà máy phải đo chữ đường (độ đường). Mía sau khi đốn xong, chở về nhà máy mới đo chữ đường và thông báo cho nông dân biết. Cùng một ruộng mía, cùng đốn một lần nhưng chuyến đầu tiên về nhà máy được 10 chữ đường, còn chuyến sau lại 9 hoặc 8 chữ. Còn mía lấy nước bán cho thương lái, họ mua nguyên ruộng, không phân biệt chữ đường nên không bị thiệt thòi, phiền toái...
Minh Hoa (t/h)