Sóc Trăng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại, dịch vụ

Hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại, dịch vụ đang dần phát triển, được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân tích cực hưởng ứng, góp phần phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số của địa phương.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010, thời điểm mà thói quen của người tiêu dùng vẫn còn sử dụng tiền mặt, thì Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng đã mạnh dạn sử dụng song song cả 2 hình thức thanh toán tiền mặt và thanh toán bằng các hình thức thẻ thanh toán, chuyển khoản ngân hàng và hiện phát triển thêm các hình thức thanh toán qua ví điện tử như Momo, VNPay, ZaloPay… và các hình thức InternetBanking qua APP ứng dụng ngân hàng, tạo thuận tiện nhất cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán tại siêu thị. Đại diện Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng cho biết, mỗi ngày bình quân siêu thị đón tiếp trên 1.200 lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm, với doanh số bình quân khoảng 500 triệu đồng/ngày, trong đó số tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng khoảng 12% và ví Momo, VNPay, ZaloPay là 3% trên tổng doanh thu tại đơn vị (số liệu tính toán từ đầu tháng 5 đến nay).

Người dân thanh toán tiền qua máy POS khi mua hàng hóa tại siêu thị trong tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Người dân thanh toán tiền qua máy POS khi mua hàng hóa tại siêu thị trong tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Còn tại Siêu thị Ánh Quang Plaza, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 50% lượng giao dịch hàng ngày của siêu thị và chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của siêu thị. Theo lý giải của anh Văn Kim Quang - Quản lý Siêu thị Ánh Quang Plaza, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị có phần cao hơn so với các siêu thị, trung tâm thương mại khác trong tỉnh là do đối tượng khách hàng mà siêu thị nhắm đến, tiếp cận đa phần là học sinh, giới trẻ, người dưới 25 tuổi, khách du lịch người nước ngoài, người nước ngoài sống và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng, một số doanh nghiệp và cán bộ, công chức… đây là lực lượng chủ động tiếp cận và tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiện ích như: không tiếp xúc vật lý nhiều qua trung gian, tránh lây lan bệnh truyền nhiễm; nhanh gọn lẹ, không cần kiểm đếm từng tờ; tránh được tiền giả, tiền rách… Đặc biệt phù hợp nền kinh tế số, mỗi cá nhân có đăng ký định danh điện tử từng ngân hàng hoặc ví điện tử (giúp khách hàng tránh việc làm rơi tiền, mất tiền, hoặc rửa tiền).

Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ được các doanh nghiệp tiên phong thực hiện mà người dân cũng tích cực hưởng ứng. Chị Mận (thành phố Sóc Trăng) cho biết, từ khi đơn vị trả lương qua thẻ ngân hàng, mỗi lần mua sắm tại siêu thị, chị đều thanh toán qua thẻ, bởi chị không cần phải đem theo tiền mặt, không lo trả nhầm tiền. Chính những tiện ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, giờ nhiều khoản phí sinh hoạt trong gia đình chị đều thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng.

Là người trẻ, tiếp cận sớm với công nghệ thông tin nên anh Tín (thành phố Sóc Trăng) cũng không đứng ngoài dòng chảy của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ, hầu như anh đều sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo chia sẻ của các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ tại thành phố Sóc Trăng, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị có chiều hướng gia tăng, hiện chiếm từ 15 - 50% tổng doanh thu tại đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại thì thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân (tồn lại quá lâu và cần thời gian để thay đổi dần).

Ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng chia sẻ, khách hàng siêu thị phần lớn là phụ nữ nội trợ, các khách hàng từ các tuyến huyện tham quan vào dịp cuối tuần mà các khách hàng này chưa sử dụng thẻ ngân hàng (thậm chí không có tài khoản ngân hàng); các khách hàng lớn tuổi chưa sử dụng thành thạo các chức năng thanh toán ví điện tử. Khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt phải phụ thuộc vào đường truyền mạng viễn thông và tín hiệu phải kết nối liên tục, nếu xảy ra lỗi thì việc hoàn tiền phải tuân thủ theo quy trình và quy định của siêu thị cùng với đơn vị đối tác dẫn đến tâm lý người tiêu dùng ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt. Song song đó, rào cản lớn nhất của thanh toán không dùng tiền mặt là phí giao dịch.

Do vậy, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ và các đối tác (ngân hàng, công ty tài chính, doanh nghiệp viễn thông cung cấp các dịch vụ ví điện tử Momo, ZaloPay…) cần xem xét, điều chỉnh mức “phí” nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, việc kết nối phải đảm bảo thông suốt giữa các đơn vị bán hàng và các đối tác liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, có các biện pháp giải quyết sự cố, khó khăn nhanh chóng cho người tiêu dùng. Các cơ quan, ban ngành có liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền trong dân về những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, đồng thời có giải pháp giúp người dân có thể sử dụng thẻ ngân hàng… nhằm góp phần đẩy mạnh, phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chuyen-doi-so/soc-trang-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-thuong-mai-dich-vu-65192.html