Sóc Trăng quyết liệt trong công tác phòng, chống thiên tai

Trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến bất thường, gây thiệt hại rất lớn cho đời sống người dân và kinh tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới, thì giông lốc và sạt lở đất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại tỉnh. Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, tỉnh Sóc Trăng đã và đang quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai.

Diễn biến thiên tai

Sạt lở được xem là loại hình thiên tai phổ biến thường xảy ra tại các địa phương có hệ thống sông, kênh rạch nhiều như các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung và Long Phú. Đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách thông tin, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện trung bình mỗi năm sạt lở 2km, sạt lở sâu vào bờ bao, đường đal, đê cồn từ 2 - 10m, diện tích đất bị sạt lở khoảng 1ha/năm. Năm 2023, huyện có 23 đoạn nguy cơ sạt lở cao, chiều dài 1.616m. Năm 2024, huyện rà soát có 15 điểm đê xung yếu có nguy cơ sạt lở với chiều dài 2.658m, trong đó, huyện đã gia cố tạm 3 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 77m và hiện nay có 12 điểm có nguy cơ sạt lở cao, cần gia cố khẩn cấp với tổng chiều dài khoảng 295m.

Chia sẻ về diễn biến tình hình thiên tai trên địa bàn huyện, đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú thông tin: “Trong năm 2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra 40 điểm sạt lở với chiều dài 1.843m, trong đó tuyến Rạch Mọp xã Song Phụng đã 4 lần xảy ra sạt lở, làm trôi sông 4 căn nhà, thiệt hại đường giao thông, hạ tầng điện, nước, làm 1 trạm quan trắc tự động bị sạt lở xuống sông, làm 2 cọc thí nghiệm sàn kè công trình cống âu Rạch Mọp bị đổ nghiêng ra phía sông. Ảnh hưởng bão số 1 cũng đã làm sập hoàn toàn 6 căn nhà, tốc mái 14 căn. Riêng các tháng đầu năm 2024, sạt lở tiếp tục xảy ra tại tuyến Rạch Mọp, xã Song Phụng có chiều dài 20m, lấn sâu vào bờ 5m; sạt lở bờ sông tại xã Phú Hữu chiều dài 30m, lấn sâu vào bờ 20m. Đặc biệt, điểm sạt lở vừa mới xảy ra vào cuối tháng 5 tại phần đất miễu Bà Chúa Xứ, thị trấn Long Phú, chiều dài sạt lở 45m, lấn sâu vào bờ 25m đã làm thiệt hại bờ kè, sân khấu, nhà mát, mái đình phía trước chánh điện đã bị hỏng hoàn toàn, trong đó có 3 miếu nhỏ chìm hoàn toàn xuống sông, ước thiệt hại 3 tỷ đồng”.

Sạt lở tại phần đất miễu Bà Chúa Xứ, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) với chiều dài 45m, lấn sâu vào bờ 25m. Ảnh: THÚY LIỄU

Sạt lở tại phần đất miễu Bà Chúa Xứ, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) với chiều dài 45m, lấn sâu vào bờ 25m. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thông tin của ngành chuyên môn, trong năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ giông lốc, sạt lở làm sập và tốc mái 276 căn nhà, làm 1 người chết và 6 người bị thương; diện tích lúa bị thiệt hại 2.830ha; cây ăn trái bị ảnh hưởng 1ha. Có 88 vụ sạt lở đê cồn, đê biển, bờ sông, bờ kênh tại các huyện: Long Phú, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, với tổng chiều dài do sạt lở gây ra là 1.875m. Về xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023 không gay gắt như các năm 2019 - 2020, 2020 - 2021, cùng với công tác chuẩn bị ứng phó mặn từ rất sớm nên tỉnh không xảy ra thiệt hại về sản xuất do xâm nhập mặn.

Ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong năm 2024, số lượng áp thấp nhiệt đới/bão có thể ở khoảng 10 - 12 cơn hoạt động trên biển Đông, trong đó ảnh hưởng đến đất liền nước ta khoảng 4 - 6 cơn. Các cơn áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động tập trung vào quý III và quý IV năm 2024. Trước tình hình thiên tai như giông bão, sạt lở bờ sông… xảy ra ngày càng phức tạp, tỉnh Sóc Trăng đã và đang quyết liệt triển khai các phương án ứng phó thiên tai, nhằm bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên đến các địa phương kiểm tra tình hình sạt lở và công tác ứng phó các loại hình thiên tai tại các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai. Ảnh: THÚY LIỄU

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thường xuyên đến các địa phương kiểm tra tình hình sạt lở và công tác ứng phó các loại hình thiên tai tại các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo đó, tỉnh đã kiện toàn, nâng cao năng lực ban chỉ huy, văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Trang bị cơ sở vật chất cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc theo dõi, cung cấp thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng, tránh ra khỏi khu vực nguy hiểm. Triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản về ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức các lớp tuyên truyền kiến thức về phòng, chống thiên tai...

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các công trình phòng, chống thiên tai như: xây dựng công trình nâng cấp đê cửa sông Tả Hữu Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung; xây dựng hệ thống hạ tầng chống ngập úng vùng trũng và phòng chống hạn, xâm nhập mặn huyện Mỹ Tú và huyện Châu Thành. Triển khai thực hiện Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long (hạng mục kè phòng chống sạt lở bờ sông Rạch Mọp, huyện Kế Sách); Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu; Dự án Đầu tư xây dựng công trình gia cố chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm từ cống số 2 đến cống số 4, thị xã Vĩnh Châu; Dự án Nạo vét hệ thống thủy lợi kênh trục tạo nguồn, trữ ngọt kết hợp phòng, chống ngập úng, hạn, mặn, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh…

Dự báo thời gian tới, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường. Chính vì vậy, cuộc chiến chống lại thiên tai sẽ còn kéo dài, chúng ta không được lơ là, chủ quan mà luôn trong tư thế sẵn sàng. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có những giải pháp mang tính dài hơi, trước hết là chủ động phòng ngừa, ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra. Và đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/soc-trang-quyet-liet-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-73879.html