Sóc Trăng: 'Thực hiện nhiều giải pháp để đồng hành với doanh nghiệp thủy sản'
Đó là lời khẳng định của ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tại buổi gặp mặt với doanh nghiệp sáng 6/1.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Mới đây (ngày 6/1), UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp. Được biết, đây là cuộc gặp gỡ lần thứ 6 trong năm giữa Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp.
Tham gia buổi gặp mặt có ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương… Đại diện Sở NN&PTNT có ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở.
Về phía doanh nghiệp có TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và 40 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản đã nêu ra những thuận lợi, khó khăn của ngành thủy sản tại địa phương trong năm 2023. Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm cho biết, họ rất cảm động và đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đối với ngành thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu có động lực để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh, Sở ngành kiến nghị với Bộ NN&PTNT có định hướng, chính sách để giúp con tôm của Việt Nam có sức canh tranh cao hơn nữa ở trường quốc tế. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp bày tỏ sự mong muốn họ có thể tiếp cận tốt hơn nữa nguồn tín dụng trong việc phát triển thủy, hải sản.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: “Sau khi nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tôi biết rằng có nhiều doanh nghiệp nuôi tôm đã và đang gặp khó. Việc khó khăn của ngành thủy sản, ngành nuôi tôm cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, không riêng gì Sóc Trăng bởi tình hình chung của thế giới. Để tập trung giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp đã kiến nghị với Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xây dựng các định hướng, giải pháp phát triển, cải thiện ngành tôm để hướng đến tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay có một số quốc gia xuất khẩu tôm rất lớn cạnh tranh với Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ…
Vấn đề thứ hai, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm tôm và giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Để làm được điều này, chúng ta phải phát triển được con tôm giống chất lượng. Tiếp theo là về quy trình nuôi. Chúng ta có con giống tốt chỉ là một phần thôi, quy trình nuôi cũng rất quan trọng.
Ông Nhã nói thêm, thực tế cho thấy, đặc thù lĩnh vực ngành nuôi tôm chịu tác động bởi các yếu tố, trong đó có yếu tố về sinh học và môi trường. Đặc biệt là vấn đề môi trường nuôi. Vì thế, chúng ta rất khó xây dựng một quy trình nuôi thống nhất và cố định. Tuy nhiên, chúng ta làm sao phải kiểm soát tốt nhất quy trình nuôi trong điều kiện thực tế để cho ra được sản phẩm chất lượng nhất. Sóc Trăng chúng ta đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp này để giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.
Nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, hiện nay do biến đổi khí hậu và dịch bệnh rất phức tạp. Vì vậy, ngàng nông nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của cán bộ quản lý để cải thiện kiến thức, truy tình nuôi tôm cho bà con nông dân. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh, Sở đã thực hiện công việc mời các chuyên gia về đào tạo nguồn nhân lực nuôi tôm chất lượng cao.
Ông Nhã dẫn chứng, trong năm 2023, Sở đã phối hợp với các chuyên gia Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) tổ chức được 2 lớp đào tạo nguồn nhân lực nuôi tôm chất lượng cao cho bà con nông dân, cho các HTX trên địa bàn tỉnh và cán bộ quản lý. Vị này khẳng định, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh vượt qua khó khăn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đạt 73,500 ha. Trong đó, nuôi tôm nước lợ là 52.500 ha; cá và các loại thủy sản khác là 21.000 ha. Sản lượng thủy sản trong năm 2023 là hơn 375.000 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm nước lợ đạt hơn 206.000 tấn.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 là sản lượng thủy hải sản đạt 380.000 tấn, trong đó nuôi tôm nước lợ là 215.000 tấn. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện tốt Đề án nuôi tôm nước lợ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề cường “Dự án phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030, định hướng đến 2045. Ngoài ra, nhân rộng các mô hình mới, giải pháp, công nghệ nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi thủy sản theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP….để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Về vấn đề chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, ngày 30/12/ 2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ có những tham mưu cho UBND tỉnh định hướng cho ngành chăn nuôi và chế biến của Sóc Trăng trong thời gian tới.
Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 1.500 triệu USD
Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá bán nông sản thấp…làm ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở ngành, địa phương sự và bà con nông dân, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp góp phần vào sự tăng trưởng chung của cả tỉnh là 5,77% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 1.500 triệu USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 950 triệu USD, gạo ước đạt 410 triệu USD, rau quả đạt 3 triệu USD.