Sóc Trăng: Trải nghiệm 'chữa lành' tâm hồn những ngày du xuân
Sóc Trăng là nơi có nhiều địa điểm du lịch lâu đời và gắn liền với thiên nhiên. Khi giới trẻ mệt mỏi với công việc và thế giới công nghệ, những địa điểm du lịch sinh thái – du lịch tâm linh là lựa chọn lý tưởng để 'chữa lành' tâm hồn những ngày xuân.
Những địa điểm được chọn thường là khu du lịch sinh thái hoang sơ, gần gũi thiên nhiên hoặc ngôi chùa, đền thờ lâu đời để tìm về với tín ngưỡng và niềm tin trong cuộc sống. Là vùng đất dung hòa giữa ba đồng bào dân tộc Kinh – Hoa – Khmer, Sóc Trăng có nền văn hóa và đời sống tâm linh đa dạng sắc màu. Bốn địa điểm sau đây là gợi ý để mọi người có chuyến du xuân trong sự an lành.
Nằm tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, đây là địa điểm du lịch sinh thái hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Với đường bờ biển dài 20km, hơn 5km là bãi biển tự nhiên hoang sơ, bãi cát mịn và những con sóng hiền hòa, Hồ Bể đã thu hút nhiều du khách tìm đến.
Hoàng hôn trên biển bắt đầu từ khoảng 16:30, khi thủy triều dâng cao và tràn vào bờ; mặt trời nằm về phía bờ biển chứ không nằm ở ngoài khơi. Du khách có thể ngồi trên những chiếc xích đu được tái chế từ bánh xe và cây gỗ, ngắm hoàng hôn trong khi nước biển dâng lên dưới chân.
Anh Chí Hiệp, một du khách chia sẻ: “Thường thì mọi người đến đây chủ yếu để tắm biển và ngắm hoàng hôn. Có thể xem Hồ Bể là nơi để muộn phiền được gió cuốn ra xa ngoài đại dương. Mình đi cùng bạn bè để tắm biển và ăn uống ở vài quán nhỏ gần biển. Hàng quán ở đây rất ít, hải sản tươi, tuy nhiên, giá cả thì hơi đắt một chút so với trung tâm. Nếu muốn tiết kiệm, tụi mình sẽ chỉ mua nước uống và tắm biển thay vì dùng bữa ở đây”.
Ngắm hoàng hôn ở Hồ Bể sẽ là một trải nghiệm đáng giá để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, đặc biệt là khi bạn đến đây cùng bạn bè hoặc người thân.
Tọa lạc tại số 20 Phan Đình Phùng, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, chùa Bà Thiên Hậu Quảng Đông là di tích xưa với lịch sử hơn 100 năm tồn tại. Theo lịch sử nơi này ghi lại, vào mùa hạ năm Quý Tỵ (1893), tập thể thương gia người Quảng Đông đã quyên tiền xây dựng một điện thờ nguy nga thờ Thiên Hậu Nương Nương, hay còn được người Quảng Châu gọi với danh xưng tôn kính là “A Phò – Má Tổ”.
Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc của người Hoa, khu vực chánh điện có không gian trang nghiêm và linh thiêng. Trung tâm chánh điện thờ những vị thần được cộng đồng tôn kính. Du khách có thể bắt gặp những bức hoành phi sơn son thếp vàng, phần cửa dạng vòng với hình hoa dây được thếp vàng lộng lẫy, bộ bát bửu bằng đồng làm tăng thêm phần oai nghiêm và cổ kính.
Chùa Bà Thiên Hậu từ lâu đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân khu vực chợ Mỹ Xuyên và những khu vực lân cận. Những năm gần đây, các bạn trẻ cũng tìm đến nơi này vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán để cầu bình an và chụp những bộ ảnh đẹp theo phong cách hoài cổ.
Tọa lạc tại số 2 đường Hùng Vương, phường 6, TP Sóc Trăng, Trung tâm Văn hóa Hồ Nước Ngọt được mệnh danh là lá phổi xanh của thành phố khi khu trung tâm có hai hồ: hồ nhỏ là Tịnh Tâm và hồ lớn là hồ Nước Ngọt. Dọc hai bên bờ hồ có hàng liễu xanh rủ lá quanh năm. Ngoài cổng khu trung tâm có bán các loại thức ăn vặt quen thuộc với giới trẻ như chả chiên, xôi mặn, trái cây lắc, bánh tráng trộn, bánh mì nướng… Mọi người lựa chọn nơi đây để dạo mát, đi dọc bờ hồ hoặc ngồi ở những hàng ghế đá ngắm hoàng hôn dần buông.
Du khách Vi Đăng cho hay: “Sau những ngày căng thẳng với công việc, nơi đây là địa điểm thư giãn, cởi bỏ áp lực mà mình yêu thích. Nơi đây không khí rất trong lành, khung cảnh xanh mát giúp thư giãn đầu óc”.
Theo thông báo của Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh Sóc Trăng, kể từ ngày 31-8-2022, khu văn hóa hồ Nước Ngọt chính thức mở cửa hoạt động sau thời gian dài đóng cửa cho công tác phòng chống dịch. Người dân quanh khu vực chủ yếu đến đây vào buổi chiều tối để dạo mát và tập thể thao.
Miếu Bà Đen nằm trong khuôn viên Chùa Dơi, tọa lạc trên đường Phan Ngọc Chính, phường 3, TP Sóc Trăng. Miếu Bà xây dựng từ trước năm 1999, hàng năm thu hút rất nhiều khách tham quan và người dân đến cúng kiếng. Tương truyền rằng Bà rất linh thiêng vì những ai thành tâm cầu khẩn đều được toại nguyện.
Cạnh bên Miếu Bà là chiếc chòi nhỏ của các nghệ nhân thuộc Ban Nhạc cụ Truyền Khmer – chùa Mahatup. Hòa quyện vào cảnh chùa cổ kính trang nghiêm là âm thanh từ dàn nhạc Ngũ âm du dương, mang đậm nét văn hóa người Khmer trên địa bàn thành phố.
Theo lời người dân trong vùng, Bà Đen rất thích quả sơ ri, do đó, xung quanh chùa có nhiều hàng quán bán sơ ri và nhang đèn cúng Bà. Miếu Bà Đen đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh gắn liền trong văn hóa của người dân, đặc biệt là người Khmer trên địa bàn. “Bà đã cho mình niềm tin trong cuộc sống. Mỗi khi lo lắng hay bế tắc, mình đến đây để tìm lại với niềm tin và sự bình an trong tâm hồn”, du khách Thanh Trúc bộc bạch.