Sốc với cẩm nang 'truyền lửa, đốt lửa, truy sát khách hàng' của Nguyễn Thái Luyện
Ngày 20/12, phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.
Theo các luật sư, mức hình phạt mà đại diện VKS đề nghị đối với các bị cáo là quá nặng. Mặc dù giữ nhiều chức danh lãnh đạo trong Công ty Alibaba, cũng như tại các ông ty con của Alibaba nhưng chỉ là “hữu danh vô thực”. Bản chất các bị cáo làm công ăn lương, hưởng lương như lương như những nhân viên bình thường. Hầu hết bị cáo có tuổi đời rất trẻ, ít hiểu biết về pháp luật, nhất là những điều luật phức tạp như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…
Luật sư của bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (cựu Phó tổng Giám đốc đào tạo Công ty Alibaba, người đã truyền đạt kỹ năng bán hàng với các phương pháp “sale phone”, “treo đầu dê bán thịt chó”, “truyền lửa, đốt lửa, truy sát khách hàng” qua cuốn cẩm nang do Luyện viết) nói rằng các bị cáo chỉ nghĩ bản thân làm việc để cống hiến cho công ty dưới sự chỉ đạo của Luyện chứ không biết được những việc mình làm là phạm pháp.
Tự bào chữa, Huỳnh Thị Ngọc Như nghẹn lời kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, về việc bản thân luôn nỗ lực phấn đấu để gia đình "nở mày, nở mặt", sống sao để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội; không trở thành gánh nặng. “Bị cáo không có ý chí làm việc trái pháp luật, để ba bị cáo ở suối vàng phải hổ thẹn với ông bà, đề mẹ đã hơn 70 tuổi phải hổ thẹn với hàng xóm, láng giềng", bị cáo Huỳnh Thị Như Ngọc khóc, trình bày trước tòa.
Luật sư của bị cáo Đào Thị Thanh Lợi (cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tổ chức) cho rằng VKS chưa cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo. Ông không phủ nhận hành vi của thân chủ, luật sư cho rằng, bị cáo "lỡ sa chân" vào Công ty Alibaba chứ không quyết tâm phạm tội như lập luận của VKSND TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo chỉ là công cụ của Nguyễn Thái Luyện. Việc đứng tên ủy quyền một số dự án, theo luật sư, đây là hành cố tình của bị cáo Luyện, bởi người đứng đầu muốn đẩy rủ ro cho người khác, cụ thể ở đây là thân chủ chủa ông. “Giữa Lợi và Luyện, Lực, Lĩnh, là anh em ruột thịt, còn Lợi chỉ là người ngoài không ruột rà thân thích vậy tại sao Luyện lại đem tài sản nhờ người khác đứng tên ủy quyền, đây có phải là hành vi cố tình của Luyện?”- luật sư giải thích.
Đào Thị Thanh Lợi cũng khóc, không nói ra lời khi tự bào chữa, bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, bởi mức án mà VKS đề nghị 12 -13 năm tù đối với Lợi là quá nặng. Tương tự, nhiều bị cáo khác cũng khóc, xin HĐXX xem xét về mức án mà đại diện VKS đã đề nghị.
Trước đó trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh cho rằng Nguyễn Thái Luyện là người chủ mưu xuyên suốt, dùng thủ đoạn tinh vi, được sự giúp sức của các bị cáo khác lôi kéo những người có hoàn cảnh trung bình hay khó khăn, kêu họ đầu tư ít sinh lời cao để từ đó họ nhẹ dạ nộp tiền cho bị cáo để rồi chiếm đoạt. Nguyễn Thái Luyện đã bị đại diện VKS đề nghị mức án chung thân. Vợ, em trai cùng các đồng phạm khác bị đề nghị tuyên phạt mức án từ 5-6 năm đến 30 năm về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai phải liên đới bồi thường cho hơn 4.500 bị hại số tiền đã chiếm đoạt.
Theo đại diện VKS vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba là vụ án điển hình về lừa đảo trong lĩnh vực đất đai. Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã rao bán cái mình không có bằng nhiều thủ đoạn. Tại tòa, ngoại trừ Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi lừa đảo. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, xét hỏi đại diện VKS đã chứng minh được hành vi phạm tội của Luyện.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Thái Luyện nói rằng, phần luận tội của VKS đã không nêu ra được căn cứ chứng minh bị cáo có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.