Tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng tăng

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 8-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu. Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng tăng, cần có quy định bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Ảnh: quochoi.vn

Chú trọng bảo mật cá nhân, dữ liệu quyền riêng tư

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, hiện nay, nhiều dữ liệu được lưu trữ, thu thập còn chồng chéo, chưa thống nhất nên gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ và khai thác. Một số trung tâm dữ liệu được đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống. Vì thế, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm đến vấn đề bảo mật và dữ liệu quyền riêng tư, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng. Thực trạng này đòi hỏi phải có những quy định cụ thể để bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo đảm thông tin dữ liệu. Cùng với đó, cần có chế tài mạnh để xử lý các vi phạm liên quan đến bảo mật dữ liệu. Trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến việc lưu trữ dữ liệu (khoản 2, Điều 13), trong đó quy định, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu dữ liệu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được quyền quyết định việc lưu trữ dữ liệu do mình thu thập, tạo lập, sở hữu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện lưu trữ dữ liệu tập trung, thống nhất, hình thành các cơ sở dữ liệu theo mô hình tại khoản 1 Điều này.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định này là chưa phù hợp, bởi khoản 1 của Điều này quy định cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải xác định loại dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu và phân loại, tổ chức lưu trữ dữ liệu theo mô hình kho dữ liệu mở; kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu dùng riêng.

"Thông tin dữ liệu cá nhân không thể tổ chức lưu trữ theo mô hình kho dữ liệu dùng chung được”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Việc quy định, tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được quyền thỏa thuận lưu trữ dữ liệu trên hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân đó với tổ chức cung cấp dịch vụ khai thác dữ liệu và hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia, theo đại biểu Hòa, là rất khó thực hiện. Và những trường hợp không thực hiện thì có chế tài nào xử lý không, vì có nhiều dữ liệu thuộc bí mật của gia đình, cá nhân... mà họ không muốn cho người khác biết.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) quan tâm đến việc công khai dữ liệu (điểm b, khoản 4, Điều 21), trong đó quy định, dữ liệu liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý; dữ liệu liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư, đồng thời cân nhắc quy định về bí mật đời sống riêng tư. Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.

Cụ thể, khoản 1 Điều 21 Hiến pháp quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn". Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại nội dung dự luật để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.

Làm rõ các loại dữ liệu bị cấm chuyển ra nước ngoài

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Cho ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề nghị nghiên cứu bổ sung các hành vi có thể phát sinh trong tương lai, do tội phạm lừa đảo có thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường. Dẫn chứng tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân như ngày sinh, số điện thoại... khiến người bị lộ lọt thông tin bị đối tượng lừa đảo gọi rất nhiều, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung quy định “giao Chính phủ quy định chi tiết” để kịp thời cập nhật các thủ đoạn mới của tội phạm.

Liên quan đến sàn giao dịch dữ liệu, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, khi dữ liệu được đưa lên sàn giao dịch với tính chất là một loại hàng hóa đặc biệt, đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau, thì các thông tin được đưa lên sàn phải đầy đủ, chính xác. “Để sàn giao dịch dữ liệu đảm bảo sự an toàn, phát triển bền vững, cần bổ sung quy định giao chính phủ quy định chi tiết vì đây là vấn đề mới” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Thống nhất về việc Chính phủ trình dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Đại biểu cho rằng, dự án Luật chưa làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ dữ liệu số quốc gia. Cùng với đó, việc mã hóa, giải mã dữ liệu cũng chưa được đề cập đầy đủ, cần quy định rõ hơn về quy trình giải mã dữ liệu trong một số tình huống cụ thể.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhất trí việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia, song còn băn khoăn về việc trong dự án Luật chưa có khái niệm xác định rõ địa vị pháp lý của trung tâm này. Theo đại biểu, cần có chính sách đặc biệt, đặc thù thu hút cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Luật Dữ liệu là dự án luật quan trọng nhưng mới và khó, nếu được thông qua sẽ có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến nhằm đảm bảo chất lượng của dự án Luật Dữ liệu, dự kiến thông qua vào kỳ họp này.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tinh-trang-lo-lot-du-lieu-xam-pham-quyen-rieng-tu-ngay-cang-tang-683874.html