Sỏi đá cũng hóa rau xanh

Đến thăm Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 vào những ngày tháng 10 khi tiết trời vừa chuyển mình sang Thu, chúng tôi không khỏi bất ngờ về cảnh quan môi trường cùng kết quả tăng gia sản xuất của đơn vị.

Nhìn các loại rau cải, rau muống, bắp cải, su hào, giàn bí xanh chi chít quả... đàn cá dưới ao, gà, vịt trong chuồng béo tròn... khiến ai nấy đều khâm phục bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Sông Lô anh hùng.

Có được nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc khang trang, sạch đẹp, hệ thống giàn, vườn rau tăng gia, ao cá cơ bản như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động nghiêm túc không mỏi mệt của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Biết bao giọt mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 đổ xuống vùng đất này, bởi địa điểm đóng quân của trung đoàn trước kia là một vùng đồi núi, sỏi đá bạc màu. Trong khi đó, đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa phải tiếp nhận những nhiệm vụ đột xuất như tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập, huấn luyện các đơn vị.

 Thượng tá Bùi Xuân Thủy - Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312 (ngoài cùng bên trái) kiểm tra sản phẩm bí bộp tại vườn tăng gia tập trung Trung đoàn 209.

Thượng tá Bùi Xuân Thủy - Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312 (ngoài cùng bên trái) kiểm tra sản phẩm bí bộp tại vườn tăng gia tập trung Trung đoàn 209.

Xác định tăng gia sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác hậu cần, do vậy, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tranh thủ mọi giờ nghỉ, ngày nghỉ để cải tạo đất, đào ao nuôi cá. Từ người chỉ huy trung đoàn cho đến chiến sĩ đều xắn tay vào lao động; đơn vị thuê xe chở đất màu từ nơi khác về rồi quy hoạch, san, gạt thành những khu trồng rau vuông vắn, khoa học, với đầy đủ các loại rau, củ, quả… Thiếu tá Nguyễn Văn Duy - Chủ nhiệm Hậu cần trung đoàn kể chuyện về giống bí lạ anh mang từ Cẩm Sơn (Bắc Giang): “Vài năm trước, tìm hiểu được loại giống bí bộp có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, tốn ít diện tích, đặc biệt giống bí này trọng lượng lên tới 20-30kg/quả, tôi quyết định mang về trồng tại đơn vị để cung cấp cho bữa ăn thường xuyên của bộ đội; dự trữ trong thời gian giáp vụ và sử dụng khi huấn luyện dã ngoại dài ngày. Chỉ với 500m2 giàn, trung bình mỗi năm, chúng tôi thu hoạch trên 3 tấn bí xanh”. Không chỉ trồng bí, ngay khu vườn bên cạnh, là những giàn mướp quả to, tròn, dài; giàn đậu đỗ sai trĩu, những luống bắp cải, cải canh... xanh mướt mát. Bất kể thời tiết nắng hạn hay mưa dầm, dưới bàn tay chăm sóc, vun trồng đúng kỹ thuật của những cán bộ, chiến sĩ những vườn rau của đơn vị luôn cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng 100% nhu cầu rau sạch cho bộ đội.

Ngoài nguồn kinh phí trên cấp, trung đoàn đã sử dụng nguồn vốn tự có của đơn vị từ nguồn thu chăn nuôi để chủ động xây mới hệ thống chuồng trại, ao vườn; khoan giếng, xây bể chứa nước để cung cấp nguồn nước tưới, mua thêm con giống để mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Từ một vùng đất sỏi đá, cằn cỗi, bằng sự nhiệt huyết, khắc phục khó khăn, tích cực tăng gia sản xuất của cán bộ, khuôn viên doanh trại đã được phủ một màu xanh tươi mát của cây trái, rau quả...; nơi làm việc của đơn vị được bố trí khoa học; hệ thống nhà ăn luôn sạch sẽ, bảo đảm phục vụ nhu cầu hằng ngày cho bộ đội.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 chăm sóc vườn rau.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209 chăm sóc vườn rau.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngoài khu tăng gia tập trung của trung đoàn, các tiểu đoàn đều có mô hình tăng gia, chăn nuôi riêng. Đại úy Trương Vũ Chiến, trợ lý quân nhu-hậu cần của trung đoàn chia sẻ: “Lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã đưa mô hình chăn nuôi xuống từng tiểu đoàn để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều có thể truyền đạt kinh nghiệm và thi đua nhau cùng tăng gia cho tốt… Tuy nhiên, để chọn được các đồng chí giao nhiệm vụ phụ trách trồng trọt hay chăn nuôi không dễ, một tiểu đoàn chỉ có vài đồng chí có khả năng hoặc tính cách phù hợp với công việc này. Sau khi lựa chọn, chúng tôi đã tập huấn cho anh em để quen dần với công việc. Dù vất vả, nhưng mọi công việc tại khu chăn nuôi đều có sự sẻ chia của anh em trong đội, nên các chiến sĩ được giao nhiệm vụ đã nhanh chóng nắm được những kiến thức, kinh nghiệm để làm tốt việc chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm của đơn vị”. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung đoàn đã thu hoạch được 113.525kg rau xanh các loại, 20.050kg cá tưới, 10.050kg thịt gia cầm…

Bên cạnh đó, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ tầm quan trọng của công tác hậu cần đối với đơn vị, đồng thời đưa ra các chỉ tiêu thi đua, phương pháp triển khai thực hiện ngay từ đầu năm để các tổ đội thực hiện. Hiện đơn vị có hơn 4.000 con gà, 500 con vịt, 300 con ngan; 11.800m2 ao hồ nuôi các loại cá… Kết quả công tác tăng gia sản xuất đã có tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Cụ thể là từ nguồn thu này, đơn vị đã đưa vào ăn thêm cho bộ đội, trích chi phí xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị, sắm sửa thêm các đồ dùng sinh hoạt cho đơn vị.

Nhờ đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo các quy mô phù hợp, kết hợp với chủ động nghiên cứu, tìm tòi, đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng nên những năm gần đây, chỉ tiêu tăng gia của trung đoàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu, thu lãi từ tăng gia sản xuất bình quân hơn 1,35 triệu đồng/người/năm; ăn thêm các ngày lễ, tết 20.000đồng/người. Quá trình thực hiện, đơn vị luôn dân chủ bàn bạc, công khai, minh bạch; phát huy tinh thần tự giác của toàn thể cán bộ, nhân viên. Nhờ vậy, các sản phẩm tăng gia không những bảo đảm nhu cầu bữa ăn hằng ngày mà còn bảo đảm đủ lượng thực phẩm dự trữ sẵn sàng chiến đấu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bộ đội.

Bài, ảnh: TRẦN QUỲNH HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/soi-da-cung-hoa-rau-xanh-597328