Startup ở thành phố có nhiều quán cà phê nhất cung cấp robot pha chế giúp giảm 90% chi phí vận hành
Công ty khởi nghiệp Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology đặt mục tiêu cắt giảm chi phí vận hành các quán cà phê để phục hồi ngành công nghiệp này, theo người sáng lập Philip Han.
Philip Han tin rằng robot của mình có thể cách mạng hóa ngành kinh doanh cà phê ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và nhiều nơi khác.
Được thành lập vào năm 2018 tại Thượng Hải - thành phố có nhiều quán cà phê nhất thế giới, sứ mệnh của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology là giảm chi phí pha một tách cà phê Java ngon và hạ giá thành. Đây là điều đôi bên cùng có lợi cho cả chủ doanh nghiệp và khách hàng.
Giải pháp của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology là Cofe+, ki ốt hình khối khép kín được trang bị đầy đủ các thiết bị và nguyên liệu cần thiết để pha cà phê Americano hoặc cappuccino, nóng hoặc đá. Ở giữa ki ốt là một cánh tay robot bốn trục, có chức năng rót đầy cốc rỗng, đậy nắp và đưa cho khách hàng.
Được trang bị máy xay và máy làm đá, ki ốt có thể pha chế đồ uống trong khoảng 50 giây mà không cần một nhân viên nào. Khi được nạp đầy đủ nguyên liệu, mỗi ki ốt có thể cung cấp khoảng 300 ly cà phê, Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology cho biết.
Theo Philip Han, ở một số khía cạnh, robot pha chế tốt hơn con người.
Ông nói: "Con người có thể hay quên, cảm tính, bất cẩn và đôi khi ngoáy hay xì mũi". Ngược lại, máy Cofe+ được bảo vệ bằng kính, trang bị công nghệ chống côn trùng và kháng khuẩn đã được cấp bằng sáng chế. Đường ống được tự động làm sạch và khử trùng, sữa được giữ ở nhiệt độ không đổi để giữ tươi trong 72 giờ.
Song theo Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology, lợi thế lớn nhất của ki ốt robot nằm ở khả năng tiết kiệm chi phí. So với quán cà phê thông thường, chi phí vận hành ki ốt hoàn toàn tự động thấp hơn khoảng 90%.
Theo trang web của công ty, chỉ mất không quá 30 phút để nạp đầy nguyên liệu một ki ốt và chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo, nên một nhân viên bảo trì có thể chăm sóc tới 10 ki ốt mỗi ngày. Mỗi ki ốt Cofe+ của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology có giá bán từ 50.000 đến 60.000 USD ở nước ngoài và có thể sử dụng trong khoảng 10 năm, Philip Han cho hay.
Đó là điểm nhấn bán hàng chính của Cofe+ trên thị trường quốc tế, theo Philip Han.
Ông cho biết: "Việc quảng bá các ki ốt ở nước ngoài dễ dàng hơn nhiều vì chi phí lao động cao hơn tại các nền kinh tế phát triển".
Philip Han nói Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology đã lặp đặt gần 1.000 ki ốt cà phê tại hơn 30 quốc gia bên ngoài cũng như 15 tỉnh ở Trung Quốc, đồng thời cho biết công ty khởi nghiệp này có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang khoảng 20 nước nữa vào cuối năm 2024.
Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology hy vọng công nghệ của mình cũng có thể giúp các quán cà phê Trung Quốc tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế trong nước. Theo Canyin88 (hãng phân tích ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống Trung Quốc), khoảng 44.000 quán cà phê đã đóng cửa tại quốc gia này trong 10 tháng đầu năm 2023. Điều này khiến chỉ còn chưa đến 192.000 quán cà phê vẫn hoạt động ở Trung Quốc tính đến cuối tháng 10.2023.
Dù hầu hết quán cà phê đóng cửa đều là các doanh nghiệp độc lập, một số chuỗi cửa hàng phổ biến cũng thu hẹp sự hiện diện của mình ở Trung Quốc những năm gần đây, gồm Seesaw Coffee (Thượng Hải), Caffe Bene (Hàn Quốc) và Pacific Coffee (Hồng Kông).
Các ki ốt cà phê của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology có thể được lắp đặt ở nhiều địa điểm khác nhau. Philip Han cho biết Cofe+ ra mắt vào năm 2019 và đang ở thế hệ 5.5, có thể được tìm thấy ở hơn 500 địa điểm, gồm cả bệnh viện, bảo tàng và các khu vực ngoài trời như đường phố, công viên.
Công ty cũng phát triển một phiên bản Cofe+ được gia cố mà họ cho biết có thể đối phó với thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn bão và nhiễu điện từ.
Cà phê Java là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc với những người yêu cà phê trên toàn thế giới, dù nguồn gốc thực sự của nó có phần phức tạp.
Nguồn gốc của cái tên cà phê Java
- Indonesia: Ban đầu cái tên Java gắn liền với hòn đảo Java của Indonesia, nơi từng là một trong những trung tâm sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đưa cà phê từ Java đến châu Âu vào thế kỷ 17. Từ đó, cái tên Java được sử dụng để chỉ loại cà phê này.
- Chất lượng: Cà phê Java từ Indonesia thường được đánh giá cao về chất lượng, với hương vị đậm đà, hương thơm đặc trưng và vị chua nhẹ. Chính điều này đã góp phần làm cho cái tên Java trở thành thương hiệu cho cà phê chất lượng cao.
Cà phê Java hiện đại
Ngày nay, thuật ngữ cà phê Java không còn chỉ giới hạn ở cà phê đến từ đảo Java. Nó thường được sử dụng để chỉ:
- Cà phê Arabica: Phần lớn cà phê được gọi là Java thuộc giống Arabica, nổi tiếng với hương vị đa dạng và phức tạp.
- Cà phê chất lượng cao: Khi nói đến cà phê Java, người ta thường ám chỉ một loại cà phê có chất lượng tốt, được rang xay cẩn thận và có hương vị đặc trưng.
Tại sao cà phê Java lại phổ biến?
- Uy tín về chất lượng: Như đã đề cập, cà phê Java từ lâu đã được coi là một tiêu chuẩn về chất lượng.
- Hương vị đa dạng: Cà phê Java có thể có nhiều hương vị khác nhau, từ vị chua nhẹ đến vị ngọt đậm, tùy thuộc vào giống cà phê, vùng trồng và phương pháp chế biến.
- Tính linh hoạt: Cà phê Java phù hợp với nhiều cách pha chế khác nhau, từ pha phin truyền thống đến các phương pháp pha chế hiện đại.
Tóm lại, cà phê Java là thuật ngữ mang tính lịch sử và văn hóa, đồng thời cũng là một tiêu chuẩn chất lượng cho những người yêu cà phê. Dù nguồn gốc địa lý cà phê Java đã thay đổi theo thời gian, hương vị đặc trưng và danh tiếng của nó vẫn được giữ gìn.
Robot pha chế đồ uống ở Mỹ
Tại Mỹ, sân vận động phục vụ Giải bóng chày nhà nghề Mỹ của đội Texas Rangers gần đây đã đưa vào sử dụng robot chuyên pha chế đồ uống mang tên ADAM.
Được phát triển bởi công ty Richtech Robotics, ADAM sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến để tương tác với khách hàng và đưa ra gợi ý đồ uống, như cà phê, cocktail hay trà sữa trân châu. AI kết hợp cảm biến tiên tiến cùng hai cánh tay robot giúp ADAM mô phỏng chính xác hành động của con người.
Với hai cánh tay thực hiện được công việc phức tạp, ADAM đảm bảo đem đến dịch vụ suôn sẻ và nhanh chóng. Robot sẽ giảm tình trạng rót đồ uống quá mức nên loại bỏ lãng phí cũng như tối ưu hóa chi phí lao động, đồng thời tối đa hóa doanh thu nhờ hoạt động không biết mệt mỏi.
Thiết kế dễ thích ứng còn cho phép ADAM tích hợp liền mạch vào bất cứ thiết lập hiện có nào, khiến nó trở nên hoàn hảo cho hầu hết mọi môi trường.
ADAM hiện có mặt tại quầy bar của sân vận động, làm việc bên cạnh đội ngũ pha chế là con người.
Robot mà Texas Rangers sử dụng là sản phẩm thứ 10 được Richtech Robotics lắp đặt. Matt Casella, Chủ tịch Richtech Robotics, cho biết vài tháng qua ADAM đặc biệt được chú ý kể từ sau khi ra mắt thành công tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2024 hồi đầu năm.
“Chúng tôi không ngừng cải tiến công nghệ của ADAM để mang lại khả năng tương tác đặc biệt, hấp dẫn và liền mạch với khách hàng trong nhiều ngành. Richtech Robotics mong muốn có được khách hàng mới”, Matt Casella nói.