Sợi dây gắn kết tình cảm gia đình

(Báo Quảng Ngãi)- Giờ đây, việc chăm con, thay tã không chỉ là bổn phận của riêng người vợ, mà còn có sự đồng hành của người chồng. Chỉ cần hai vợ chồng cùng thấu hiểu, cảm thông, chung tay chăm sóc thiên thần nhỏ lớn khôn thì bao mệt mỏi, khó khăn đều tan biến, hạnh phúc sẽ luôn đong đầy.

Sau sinh là khoảng thời gian khó khăn, vất vả đối với mỗi người làm vợ, làm mẹ. Vì vậy, việc người chồng sẻ chia, đồng hành cùng vợ là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Đây sẽ là cột mốc ý nghĩa trong hành trình xây dựng, gắn kết tổ ấm gia đình.

Chăm con cùng vợ

Chị Lê Thị Thu Thảo, ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), vừa hạ sinh được con trai. Từ ngày có con, cuộc sống gia đình chị Thảo bị đảo lộn. Cả ngày quây quần chăm con, vật lộn với bỉm sữa, vợ chồng chị Thảo hầu như không có những phút giây riêng tư, dành riêng cho nhau. Vì thế, vợ chồng chị Thảo cũng không tránh khỏi những cãi vã, bất hòa về chuyện chăm con.

 Giờ đây, việc chăm con, thay tã không chỉ là bổn phận của riêng người vợ, mà còn có sự đồng hành của người chồng.

Giờ đây, việc chăm con, thay tã không chỉ là bổn phận của riêng người vợ, mà còn có sự đồng hành của người chồng.

Chị Thảo chia sẻ, vợ chồng tôi rất hạnh phúc khi được lên thiên chức cha mẹ, nhưng cũng trải qua muôn vàn cảm xúc khác nhau. Bên cạnh những giây phút hạnh phúc khi nhìn con lớn lên mỗi ngày, thì vợ chồng tôi cũng gặp rất nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Vợ chồng tôi phải thích nghi với cuộc sống có thêm thành viên mới, học cách chăm sóc em bé và đặc biệt là luôn động viên nhau cùng vượt qua mệt mỏi, khó khăn khi chăm con nhỏ cộng với những áp lực về kinh tế.

Dẫu công ty cách nhà hơn 70km, nhưng những ngày không trực đêm, anh Phạm Thành Lên, chồng của chị Thảo, vẫn tranh thủ về phụ vợ chăm con. Anh Lên cho biết, dù không có nhiều kinh nghiệm, còn vụng về trong chuyện chăm con, nhưng việc sẻ chia, đồng hành cùng vợ trong quá trình chăm con nhỏ là điều mà tôi cần phải làm. Đây là cách chia sẻ tuyệt vời nhất mà tôi dành cho vợ, là chỗ dựa tinh thần cho vợ, để vợ luôn vui vẻ, luôn suy nghĩ tích cực. Bởi trong giai đoạn sau sinh con, tâm lý của người phụ nữ rất nhạy cảm, dễ buồn phiền.

Đối với anh Lê Trung Giang, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), thời gian chăm con, giúp đỡ vợ là những khoảnh khắc hạnh phúc.

Đối với anh Lê Trung Giang, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), thời gian chăm con, giúp đỡ vợ là những khoảnh khắc hạnh phúc.

Sau nhiều năm kết hôn, chạy chữa hiếm muộn, vợ chồng anh Lê Trung Giang, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), mới đón cô con gái đầu lòng. Đồng hành cùng vợ trong cả quá trình mang thai và sinh con, nên anh Giang cảm thấy rất thương vợ. Anh Giang bảo rằng, tôi không thể thay vợ gánh được những cơn đau, nhức mỏi hay cả những giấc ngủ chưa trọn, nên tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian bên con, đỡ đần để vợ có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe sau sinh. Việc chăm con rất cực nhọc, nhưng nhìn con lớn lên mỗi ngày, tôi lại thấy những vất vả đã qua đều là những khoảnh khắc rất đỗi hạnh phúc, tuyệt vời.

Vun đắp hạnh phúc

Tự nhận mình là người có tính cách cứng cỏi, cá tính và đã có kinh nghiệm chăm con trước đó, nhưng với lần sinh con thứ 2 này, chị Nguyễn Thị Mỹ, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), lại thường xuyên đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Chị Mỹ cho hay, tôi không phải là típ người dễ giận hờn, vậy mà vài tháng sau sinh con, tôi lại trở nên cực kỳ nhạy cảm, hay tủi thân khi chồng đi làm về trễ, không tâm sự, trò chuyện với vợ con. Thấy mọi chuyện không ổn, tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách, nên tôi đã khéo léo chia sẻ với chồng về mong muốn được chồng quan tâm, đồng hành trong quá trình chăm con nhỏ. Sau đó, chồng tôi đã dần thay đổi, không còn vô tư, phó thác việc chăm con cho vợ như trước nữa. Nhờ vậy, vợ chồng tôi đã hiểu nhau hơn, không còn cãi vã, giận hờn vì chuyện nuôi con.

Việc chia sẻ, đồng hành cùng vợ chăm con sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình.

Việc chia sẻ, đồng hành cùng vợ chăm con sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, ở xã Đức Lân (Mộ Đức), đã vô cùng xúc động khi nói về khoảng thời gian khó khăn sau sinh của vợ mình. Anh Hiệu là quản lý của một doanh nghiệp, nên khi về nhà anh thường mải mê nghịch điện thoại, mà không đoái hoài đến vợ con. Vợ của anh Hiệu vừa phải làm việc nhà, vừa chăm con trai lớn và con gái mới sinh, nên sức khỏe của chị ngày càng giảm sút. Vì không có sự đồng hành, quan tâm từ chồng, lại hay đối mặt với việc con ốm, khóc đêm, khiến vợ anh Hiệu bị rối loạn lo âu. Vợ của anh thường hay khóc, nóng giận, đôi khi lại trầm tư, chán chường, chẳng thiết tha bất cứ việc gì. May mắn là, anh Hiệu đã kịp thời nhận ra và tự thay đổi bản thân, thường xuyên động viên tinh thần cho vợ và dành nhiều thời gian chăm sóc con, nên vợ của anh mới có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

“Lúc đầu, tôi cứ mặc định chuyện chăm con là của vợ, nên ít khi dành thời gian phụ vợ chăm con, chơi với con. Đến khi vợ gặp những vấn đề về tâm lý, tôi thật sự hối hận và bắt đầu làm những công việc hằng ngày mà vợ tôi vẫn làm. Bây giờ, tôi đã hiểu được vợ đã phải vất vả, khó khăn nhường nào. Khi gần gũi với con nhiều, tôi lại thấy thương vợ, yêu con nhiều hơn. Thế nên, khi xong công việc là tôi cố gắng về nhà, cùng vợ chăm con, nên tình cảm vợ chồng ngày càng khăng khít”, anh Hiệu bày tỏ.

Cảm thông và thấu hiểu

Bác sĩ Phạm Thị Thu Trà - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho hay, sau sinh là khoảng thời gian người phụ nữ đối mặt với những khó khăn về thể chất lẫn tinh thần, dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Đặc biệt, khi sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình, đặc biệt là người chồng không đủ đầy, nỗi cô đơn và áp lực có thể đẩy người phụ nữ đến tình trạng trầm cảm. Thời gian qua, số lượng phụ nữ đến thăm khám, điều trị do trầm cảm sau sinh tại bệnh viện liên tục tăng lên.

“Nguyên nhân nội sinh và bệnh lý thực thể là những yếu tố dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh. Điển hình nhất là do sự thay đổi đột ngột về nội tiết tố, gây nên cảm giác mệt mỏi, bất ổn về cảm xúc. Bên cạnh đó, môi trường và các mối quan hệ trong gia đình không thuận lợi, thiếu sự chia sẻ, khiến người phụ nữ sau sinh dễ gặp căng thẳng, lo âu, tự tạo áp lực, tiêu cực cho chính mình. Người phụ nữ khi mắc bệnh trầm cảm thường chán ghét, không muốn chăm sóc con, thậm chí có ý định giết hại con và tự tử. Trầm cảm có thể điều trị dứt điểm nếu như được phát hiện kịp thời và có sự đồng hành, hỗ trợ tinh thần từ gia đình, đặc biệt là người chồng”, bác sĩ Trà khuyến cáo.

Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của người chồng, người cha, thì người phụ nữ cần trang bị kiến thức trước, trong và sau sinh con, phải luôn trau dồi kỹ năng để vượt qua những áp lực, khó khăn khi làm mẹ, làm vợ. Đồng thời, hãy chia sẻ với chồng về những vất vả của bản thân và khen ngợi, khích lệ tình yêu của chồng dành cho con, để chồng hiểu được rằng, chăm con và nuôi dạy con cái là việc chung, là chất xúc tác để gắn kết hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/nhip-song-tre/tinh-yeu-hon-nhan/202412/soi-day-gan-ket-tinh-cam-gia-dinh-9f94dbc/