Sợi dây kết nối thông tin giữa tiền tuyến và hậu phương

Mỗi dịp tháng Tư về, trong ký ức của nhiều cán bộ, nhân viên ngành Bưu chính - viễn thông tỉnh lại trào dâng cảm xúc nhớ về hình ảnh của những bưu tá không quản ngày đêm vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, vượt “mưa bom, bão đạn”, mưu trí, dũng cảm, kịp thời đưa những chuyến hàng, thư báo đến nơi an toàn, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và chiến đấu trong những năm kháng chiến. Không những thế, bưu tá còn là cầu nối tình cảm, sợi dây truyền lửa giữa tiền tuyến với hậu phương, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Những bưu tá thời chiến ôn lại kỷ niệm xưa

Tháng 3.1960, chàng thanh niên Nguyễn Văn Chắc được cử làm Trạm trưởng Trạm Bưu điện xã Hiến Nam (nay là phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Đầu giờ chiều hàng ngày, ông Chắc đến Trạm Bưu điện chợ Gạo chờ xe thư qua để nhận công văn, thư báo. Có những ngày chờ mãi không thấy xe thư đi qua, ông phải tất tả đạp chiếc xe đạp cà tàng đi hơn 10km đến Bưu điện huyện Kim Động để lấy công văn, thư báo. Đường sá xa xôi lại toàn là đường đất nhỏ, trời mưa trơn trượt, ông phải một tay lái xe, một tay cầm que để gạt đất bám vào bánh xe. Những công văn quan trọng được ông ưu tiên giao trước, sau đó là thư được gửi từ chiến trường về cho người thân. Ông quen thuộc từng ngõ, xóm, biết rõ từng nhà, từng người trong xã. Những gia đình có người thân tham gia chiến đấu ở chiến trường luôn được ông lưu tâm để nếu có thư gửi về thì dù khuya, sớm, mưa bão ông cũng quyết tâm mang thư đến cho gia đình sớm nhất. Có những hôm ông phải làm nhiệm vụ xuyên đêm để đưa công văn, thư báo kịp thời phục vụ nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất. Công việc vất vả nhưng cũng mang đến cho ông nhiều niềm vui. Ông Chắc chia sẻ: Mỗi bức thư chứa đựng tình cảm, nỗi niềm của người gửi và sự mong chờ của người thân. Trong điều kiện chiến tranh, thông tin liên lạc hạn chế thì những bức thư còn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cả người ở tiền tuyến và hậu phương. Khi ấy, mỗi lần có thư từ chiến trường gửi về cho gia đình là hàng xóm xung quanh đều cùng đến chung vui, cùng đọc thư, cùng chia sẻ niềm vui với gia đình, người thân. Kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời làm bưu tá của tôi chính là ngày nhận được thông tin miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975). Khi nhận được công văn thông báo giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi nhanh chóng chuyển về xã để kịp thời thông báo trên loa truyền thanh cho người dân được biết. Sau đó, suốt chặng đường đưa thư, báo… hễ gặp ai tôi cũng khoe “giải phóng miền Nam rồi, giải phóng miền Nam rồi”…

Hơn 40 năm làm bưu tá, bà Ngô Thị Nụ, xã Tân Phúc (Ân Thi) đã cùng trải qua nhiều niềm vui, nỗi buồn qua những lá thư. Bà Nụ chia sẻ: Thời chiến, thư từ liên lạc khó khăn. Có những lá thư gửi từ chiến trường về hàng tháng trời mới tới tay tôi nên khi nhận được, tôi luôn cố gắng giao thư nhanh nhất. Bởi vì khi lâu không nhận được thư từ chiến trường, người thân sẽ thấp thỏm, lo âu. Và khi nhận được thư niềm vui như vỡ òa. Những bức thư có thể rất sơ sài, đôi khi chỉ có vài dòng viết vội nguệch ngoạc nhưng cũng đủ để người ở nhà an lòng bởi lá thư chính là tin báo bình an. Gặp tôi ở đâu, người ta cũng hỏi “cô Nụ ơi, nhà tôi có thư không”… và khi nhận được câu trả lời là có thì họ đều mừng rỡ, khuôn mặt họ háo hức chờ. Trong xấp thư dày, đôi mắt họ dõi theo từng lần lật dở để mong sớm nhìn được nét chữ thân quen.

Hình ảnh bác đưa thư trên chiếc xe đạp cũ đã trở nên quen thuộc với người dân những năm tháng chiến tranh. Giờ đây, thư viết tay là thứ gì đó khá xa lạ nhưng vào thời chiến đó là sợi dây kết nối thông tin giữa tiền tuyến và hậu phương và người bưu tá chính là người giúp sợi dây kết nối đó không bị đứt quãng. Những lá thư từ quê nhà giúp người lính nơi tiền tuyến yên lòng, vững tin, dồn sức lực và trí tuệ cho cuộc chiến đấu và người ở hậu phương yên tâm, tích cực lao động, sản xuất, tiếp tế cho tiền tuyến. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, những người bưu tá đã vượt qua khó khăn, gian khổ để góp phần cùng dân tộc làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202205/soi-day-ket-noi-thong-tin-giua-tien-tuyen-va-hau-phuong-1320561/