Sôi động bỏ phiếu sớm ở Mỹ

Một thống kê cho thấy ít nhất 5,5 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống

Số cử tri đi bỏ phiếu sớm tại bang Georgia trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã đạt mức kỷ lục hôm 15-10. Theo thống kê, số cử tri đi bỏ phiếu trong ngày đầu tiên của đợt bỏ phiếu sớm là hơn 300.000 người, cao gấp đôi con số của cuộc bầu cử năm 2020. Cuộc bỏ phiếu sớm tại Georgia sẽ kết thúc vào ngày 1-11.

Georgia là một trong vài bang chiến trường cạnh tranh được dự đoán sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xác định kết quả bầu cử. North Carolina, một bang chiến trường khác, tiến hành bỏ phiếu sớm từ ngày 17-10 đến ngày 2-11, theo trang The Hill. Bỏ phiếu sớm cũng diễn ra tại nhiều bang khác trong tuần này, như Iowa, Kansas, Tennessee, Louisiana, Washington, Massachusetts, Nevada…

Việc bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp hoặc qua bưu điện đã trở nên phổ biến với cử tri Mỹ. Một khảo sát từ đơn vị nghiên cứu về bầu cử Election Lab của ĐH Florida cho thấy ít nhất 5,5 triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử năm nay.

Ở thời điểm này vào năm 2020, 27 triệu người đã bỏ phiếu sớm do đại dịch COVID-19 khiến cử tri lo ngại việc tập trung đông người ở nơi bỏ phiếu. Dù vậy, trong cuộc bầu cử năm đó, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối việc mở rộng hình thức bỏ phiếu qua bưu điện do cho rằng nó kém an toàn hơn so với bỏ phiếu trực tiếp. Đáng chú ý, cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, đã viện dẫn những tuyên bố sai sự thật về gian lận phiếu bầu qua bưu điện khi ông tìm cách lật ngược thất bại của mình trước ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden.

Các cử tri tham gia bỏ phiếu sớm tại TP Marietta, bang Georgia - Mỹ hôm 15-10Ảnh: REUTERS

Các cử tri tham gia bỏ phiếu sớm tại TP Marietta, bang Georgia - Mỹ hôm 15-10Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh ngày bầu cử 5-11 đang đến gần, cả ông Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris (ứng viên Đảng Dân chủ) dường như biết rằng việc khắc phục điểm yếu của mình có thể là chìa khóa dẫn đến chiến thắng hơn là thử thách sức mạnh. Tại một sự kiện tranh cử ở bang Georgia hôm 15-10, ông Trump tìm cách thu hút sự ủng hộ của cử tri nữ bằng những bình luận bày tỏ sự ủng hộ đối với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Theo đài CNN, ông Trump trước đó từng đề xuất chính phủ hoặc các công ty bảo hiểm phải trả tiền cho các cặp vợ chồng cần thực hiện IVF mà không nêu rõ cách thức. Ông Trump hiện thua kém bà Harris về sự ủng hộ của cử tri nữ trong hầu hết cuộc thăm dò và không dễ để ông nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của bà Harris đang tập trung giành lại phiếu bầu của khối cử tri nam giới da màu ở các bang chiến trường. Trong một động thái như thế, bà Harris đã bảo vệ thành tích của mình khi còn làm công tố viên và thúc đẩy cải cách cảnh sát khi trả lời phỏng vấn một chương trình phát thanh tại TP Detroit, bang Michigan hôm 15-10. Bà Harris cho rằng cử tri da màu cần suy nghĩ cẩn thận về tương lai, đồng thời nhắc lại cảnh báo việc ông Trump tái đắc cử sẽ khiến đất nước thụt lùi.

Cuộc đua sít sao

Các cuộc thăm dò cử tri bỏ phiếu sớm tại các bang chiến trường cho thấy ông Trump có lợi thế đôi chút so với bà Harris. Cuộc thăm dò được Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Xã hội (CAPS) thuộc Đại học Harvard và Công ty Harris Poll (Mỹ) công bố hôm 14-10 cho thấy trong số các cử tri bỏ phiếu sớm tại những bang chiến trường quan trọng, 48% người cho biết đã chọn ông Trump và 47% người chọn bà Harris. Ông Mark Penn, đồng giám đốc phụ trách cuộc thăm dò, cho biết thêm nếu tính toàn bộ cử tri ở các bang chiến trường, tỉ lệ ủng hộ ông Trump là 48%, so với 46% của bà Harris. Theo trang The Hill, cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 11 đến 13-10 với sự tham gia của 3.145 cử tri đã đăng ký.

Trong khi đó, cuộc thăm dò mới của hãng tin Reuters/Công ty Ipsos cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Harris và ông Trump lần lượt là 45% và 42%. Trong cuộc thăm dò, bà Harris dẫn trước ông Trump (43% - 38%) khi cử tri được hỏi về khả năng đối phó chủ nghĩa cực đoan và các mối đe dọa đối với nền dân chủ. Bà Harris cũng dẫn trước ông Trump 14 điểm% về chính sách chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, ông Trump dẫn trước bà Harris (45% - 40%) khi cử tri được hỏi ai là người xử lý vấn đề kinh tế, việc làm và thất nghiệp tốt hơn.

Theo Reuters, cuộc khảo sát trên diễn ra từ ngày 11 đến 13-10 với sự tham gia của 938 người trưởng thành khắp nước Mỹ, trong đó có 807 cử tri đã đăng ký.

Xuân Mai

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/soi-dong-bo-phieu-som-o-my-196241016211554804.htm