Sôi động kênh YouTube nghệ sĩ
Những kênh YouTube thu hút hàng trăm triệu lượt xem của các nghệ sĩ vốn không còn xa lạ. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay, khi các hoạt động văn hóa - giải trí bị 'đóng băng', ngôi nhà mới này có thể giúp họ vừa giữ chân khán giả, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới.
Trăm hoa đua nở
“Hiện nay hầu như nghệ sĩ nào cũng mở kênh YouTube. Nhiều người xác định đó là cách giải khuây để đỡ nhớ nghề, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, mở rất dễ, để duy trì mới là điều khó khăn”, NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ. Ra mắt được một năm, kênh Trịnh Kim Chi Official được chị chăm chút kỹ lưỡng và thời gian gần đây có nhiều sản phẩm mới: web-drama Quỷ linh nhi, talkshow Chuyện người ta Chi kể, Âm nhạc cùng Trịnh Kim Chi hay mới nhất là series Học nấu ăn cùng Trịnh Kim Chi.
Ngoài những kênh của các nghệ sĩ: Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Thu Trang, Huỳnh Lập… có hàng triệu lượt người theo dõi, hàng trăm triệu lượt xem (view), thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ gạo cội cũng nhất loạt cho ra mắt kênh YouTube cá nhân hay đầu tư các sản phẩm mới cho kênh của mình. Kênh Hồng Vân Entertainment của NSND Hồng Vân vừa cho ra mắt web drama đầu tiên Đại kê chạy đi. Tập 1 ra mắt ngày 2-4 và tập 2 hôm 9-4 vừa qua đều đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem, đồng thời giúp NSND Hồng Vân là nghệ sĩ Việt đầu tiên có 2 nội dung cùng lúc vào tốp thịnh hành. “Trong giai đoạn sân khấu phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí, là người quản lý, tôi luôn phải nghĩ cách làm sao cho mình cũng như các cộng sự cùng tồn tại”, NSND Hồng Vân cho biết.
Các kênh của những nghệ sĩ gạo cội không thể không nhắc đến nghệ sĩ Minh Nhí với sản phẩm đầu tay là 4 tập phim cổ tích dân gian Việt Nam Mua cha. Kênh Ngũ Long Du Ký của 5 nghệ sĩ: Phi Phụng, Phương Dung, Thụy Mười, Diễm Hương, Năm Chà là nơi chia sẻ cuộc sống hàng ngày, hậu trường công việc, những tiểu phẩm hài đặc sắc của họ. Nghệ sĩ Thanh Thủy mới đây cũng cho ra mắt kênh YouTube riêng và lên kế hoạch sản xuất các MV, web drama để học trò có cơ hội thử sức. Nhạc sĩ Quốc An, người từng đình đám với những bản hit: Cây đàn sinh viên, Hát với dòng sông hay gần đây là Cảm ơn con nhé… sau nhiều năm làm nghề cũng quyết định “xây nhà” trên YouTube với mong muốn “đưa những sản phẩm với chất lượng tốt nhất do chính mình thực hiện và thể hiện”. Trong khi đó, ở làng múa, biên đạo múa Lê Việt cũng vừa cho ra mắt series Múa cùng Lê Việt mở màn là các video hướng dẫn múa các động tác cơ bản trong thể loại múa dân gian, dân tộc.
Trong làng người đẹp Việt, kênh YouTube của hoa hậu H’hen Niê hiện đang thu hút được rất nhiều sự chú ý với những hoạt động ngày thường của cô nơi buôn làng khi về nhà tránh dịch Covid-19. Nhiều video hiện thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận, trong đó có không ít đến từ người hâm mộ nước ngoài.
Cơ hội và thách thức
Việc xây dựng các kênh YouTube mang đến cho các nghệ sĩ nhiều lợi thế. Họ có thể tự do sản xuất nội dung theo mong muốn, không bị gò bó bởi câu chuyện kiểm duyệt khắt khe, phát triển và định hướng con đường cá nhân riêng. Khi thực hiện web drama Đại kê chạy đi, điều khiến NSND Hồng Vân tâm đắc nhất là chị có cơ hội được làm câu chuyện mình thích. Diễn viên Nam Thư cũng từng chia sẻ: “Tôi khát khao vai diễn. Nếu diễn ở sân khấu thì chỉ có một cụm khán giả thôi. Trong khi phim điện ảnh thì chưa ai mời tôi đóng vai chính cả. Tôi cũng ngưng đóng phim điện ảnh mấy năm nay vì bị sốc khi thấy mình không được trân trọng sau một bộ phim. Vì vậy, tôi phải tự bỏ tiền làm phim trên YouTube để thỏa sức đam mê, dù biết rất tốn kém”.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay, kênh YouTube của các nghệ sĩ gạo cội, bên cạnh cơ hội làm nghề còn là môi trường, nơi họ có thể nâng đỡ đàn em, học trò. Trong Mua cha, nghệ sĩ Minh Nhí chấp nhận vào vai phụ, vai chính được anh dành cho các học trò, diễn viên sân khấu kịch Minh Nhí, như: Minh Khải, Lâm Hồng Phương, Trần Thanh Hà, Nghiêm Ngọc Trâm… Anh dự định sẽ tiếp tục sản xuất thể loại phim cổ tích vốn là thế mạnh của mình. NSND Hồng Vân cũng trao vai chính cho các học trò của mình như: Tuấn Dũng, Hoàng Yến… trong Đại kê chạy đi và dự định sẽ trao thêm nhiều cơ hội cho các diễn viên trẻ trong các sản phẩm tiếp theo. Còn NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết: “Khi thực hiện các chương trình, tôi cho học trò được lăn xả, thể hiện năng khiếu trong nhiều công đoạn: viết tiểu phẩm, làm biên kịch, trợ lý đạo diễn… Nhiều tiểu phẩm trong Chuyện người ta Chi kể, tôi tạo cơ hội cho các em được diễn xuất”.
Nhưng YouTube không chỉ là sân chơi. Để đi đường dài và tạo bản sắc riêng, các nghệ sĩ cũng cần có chiến lược. Các kênh thành công đều có thương hiệu riêng. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết: “Tôi xác định mình không thể làm những sản phẩm “lầy lội” nên trước hết phải có tính nghệ thuật và lồng ghép vào đó câu chuyện thời sự ở mức độ cho phép”.
Từ chỗ mở ra để chơi, cập nhật hoạt động đời thường của mình, NSND Hồng Vân định hướng các sản phẩm trên kênh YouTube của mình phải có tính xây dựng và lan tỏa thông điệp tích cực trong xã hội. Chị đặc biệt tâm đắc câu chuyện tình cảm gia đình. NSND Hồng Vân cho biết thêm: “Bỏ số tiền lớn đầu tư, mong lấy lại vốn từ YouTube là điều mơ hồ. Nếu có tài trợ thì số tiền từ YouTube mới là phần lời của mình”.
Đồng quan điểm, NSƯT Trịnh Kim Chi xác định: “Có được lợi nhuận trên YouTube khá vất vả và không phải ngày một ngày hai là có được. Với số tiền bỏ ra cho mỗi sản phẩm, để kiếm lại được không đơn giản. Do đó, nếu đã xác định làm kênh nghiêm túc, ngay từ đầu cần có khả năng tài chính. Làm chơi thì dễ còn để kinh doanh có lợi nhuận là cả vấn đề cần tính toán kỹ”.
Thực tế, nhiều nghệ sĩ có các sản phẩm triệu view cũng từng chia sẻ, không thể trông đợi tiền từ YouTube khi mà số tiền họ bỏ ra cho mỗi sản phẩm có khi lên đến hàng tỷ đồng. Đổi lại, việc thành công với các sản phẩm trên YouTube mang đến cho các nghệ sĩ cơ hội kiếm tiền khác: tiền tài trợ, quảng cáo...
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/soi-dong-kenh-youtube-nghe-si-658009.html