Sôi động không khí sản xuất ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân

Với truyền thống lịch sử hơn 400 năm, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư) từ lâu đã vang danh với các sản phẩm, công trình làm từ đá được đặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không khí sản xuất tại làng nghề rất sôi động và khẩn trương, bởi năm nay là năm làng nghề đá mỹ nghệ có sự khởi sắc rất nhiều sau đại dịch COVID-19.

Những người thợ đá luôn chăm chỉ, cần mẫn, bởi từ nghề cho họ cuộc sống sung túc.

Những người thợ đá luôn chăm chỉ, cần mẫn, bởi từ nghề cho họ cuộc sống sung túc.

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, sinh năm 1998, nhưng anh Dương Minh Trung, thôn Tân Dưỡng đã có trong tay nhiều thành quả quý như "vàng". Đó là danh hiệu "Bàn tay vàng" đầu tiên và duy nhất đến nay của làng đá mỹ nghệ Ninh Vân; thành lập cơ sở đá mỹ nghệ Trí Trung (mang tên cùng người anh ruột năm nay 27 tuổi), với diện tích nhà xưởng 500m2, các loại máy CNC (khoan, phay, dao, tiện cắt gọt đá thành sản phẩm có thông số kỹ thuật chính xác), trị giá gần 5 tỷ đồng... Cơ sở đá mỹ nghệ của anh Trung bước đầu được gây dựng và phát triển rất tốt, tạo việc làm cho vài lao động, với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trung chia sẻ, năm nay 24 tuổi nhưng anh đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề đá. Yêu thích cái nghề bụi bặm và vất vả này, nên ngay từ nhỏ anh đã để ý và thích ngắm nhìn các tảng đá từ khi còn nguyên vẹn, đang dang dở cho đến khi thành tác phẩm đá hoàn thiện.

Anh đã từng có suy nghĩ, tại sao từ một tảng đá thô kệch, xù xì, vô tri, vô giác ấy, qua bàn tay con người lại thành được những sản phẩm đá hoàn hảo và đẹp đẽ, có hồn đến như vậy. Đó chỉ có thể là tình yêu, sự tâm huyết, trách nhiệm để dành trọn cho nghề truyền thống của cha ông đã nuôi sống và làm giàu cho bao thế hệ người dân nơi đây.

Do gia đình không có điều kiện mở cơ sở sản xuất đá riêng, 2 anh em Trung phải đi làm thuê cho người khác, học nghề từ chính những nghệ nhân làng đá - một "trường, lớp" vừa thực tế vừa hiệu quả, để biết nghề và nuôi sống bản thân. Sau chục năm học và làm nghề, khi đã vững tay nghề, anh em Trung thành lập cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của riêng mình và dần khẳng định sự trưởng thành trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện cơ sở đá mỹ nghệ Trí Trung được nhiều khách hàng các tỉnh, thành phố đặt hàng, như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và một số tỉnh phía Nam, với đa dạng sản phẩm, từ chậu cảnh, bàn, ghế, sập... đến các sản phẩm đá đặt tại các công trình lớn như đình, chùa, lăng mộ, tượng đài... Tình yêu nghề và ý chí quyết tâm đã giúp người thợ trẻ Dương Minh Trung đang dần khẳng định mình để thành công hơn nữa.

Người thợ trẻ Dương Minh Trung luôn nỗ lực học hỏi để sáng tác ra các sản phẩm có độ tinh xảo, thẩm mỹ cao.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề Ninh Vân cho biết: Nghề đá mỹ nghệ từng có lúc thịnh, lúc suy, nhưng nhiều năm gần đây được coi là "vượng" hơn cả. Đặc biệt năm 2022, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nghề đá đã cơ bản được phục hồi với nhiều đơn hàng được đặt ở khắp trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân làng nghề tiếp tục phấn khởi, ra sức thi đua lao động, sản xuất.

Hiện nay, xã Ninh Vân có 12/13 thôn làm nghề chế tác đá mỹ nghệ. Toàn xã có khoảng 80 doanh nghiệp tư nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh; có khoảng 1.600 hộ chế tác đá và trên 3.000 thợ đá chuyên nghiệp, lành nghề của cả làng nghề và từ địa phương khác về Ninh Vân làm nghề đá.

Làng nghề hiện có 1 nghệ nhân cấp Trung ương; 42 nghệ nhân cấp tỉnh; 1 danh hiệu "Bàn tay vàng" và 3 danh hiệu "Bàn tay bạc"… Mỗi năm, nghề đá mang lại doanh thu cho xã hàng trăm tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động làm nghề đạt từ 7-8 triệu đồng. Các sản phẩm từ đá rất đa dạng và phong phú, được chia thành nhóm sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ và nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh.

Dịp cuối năm luôn là thời điểm bận rộn, sôi động của làng nghề bởi các đơn hàng được hoàn thiện, vận chuyển đi lắp đặt cho khách. Trước kia, các công đoạn nặng nhọc trong nghề chế tác đá như khai thác, vận chuyển, xẻ đá, mài, đục… phải làm hoàn toàn thủ công, nên người làm rất vất vả, số lượng sản phẩm làm ra hạn chế. Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc đã tăng năng suất lao động lên nhiều lần, giảm bớt sự vất vả, tai nạn cho người lao động.

Tuy nhiên, những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, tinh xảo, cần sự chi tiết, vẫn đòi hỏi óc thẩm mỹ và bàn tay điêu luyện của những nghệ nhân làng nghề, từ đó mới có thể tạo ra những sản phẩm chạm khắc đá tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại.

Với bề dày hàng trăm năm, với niềm vinh dự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 4608/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/12/2019), những người thợ đá làng Ninh Vân đã, đang và sẽ tiếp nối truyền thống làng nghề, truyền thống cha ông, kế thừa những tinh hoa và tiếp tục không ngừng sáng tạo, giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa tốt đẹp làng nghề truyền thống lâu đời, đã và đang đem lại cho mỗi người cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cũng như giúp ích và làm đẹp cho xã hội.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/soi-dong-khong-khi-san-xuat-o-lang-nghe-da-my-nghe-ninh-van/d20221220091529386.htm