Sôi động Lễ kỷ niệm Ngày công tác xã hội Việt Nam và 90 năm ngày thành lập Đoàn
Tối 26/3, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày công tác xã hội Việt Nam (25/3) và hội trại kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021).
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đoàn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Công tác xã hội cho biết, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên công tác xã hội ngày càng được mở rộng.
Các lĩnh vực hoạt động cơ bản là: chăm sóc và bảo vệ trẻ em; trợ giúp người khuyết tật; trợ giúp các cá nhân, gia đình phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy, mại dâm; chăm sóc sức khỏe tâm thần; chăm sóc, trợ giúp người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trợ giúp người nghèo; người cao tuổi...
Theo PGS.TS Đoàn Thị Thanh Huyền, ở Việt Nam công tác xã hội là lĩnh vực còn non trẻ. Hiện nhiều cán bộ làm công tác xã hội chưa được đào tạo đúng ngành, bài bản; hệ thống tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp ở cộng đồng mới được hình thành ở các địa phương.
Điều này tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của công tác xã hội và ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách đối với các nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, trên thế giới, công tác xã hội từ lâu đã được xem là một nghề mang tính chuyên nghiệp. Bên cạnh các tổ chức quốc tế, còn có các tổ chức nghề công tác xã hội tại khu vực.
PGS.TS Đoàn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, công tác xã hội chuyên nghiệp là tạo ra sự phát triển xã hội thông qua việc tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, tăng cường năng lực và giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa. Công tác xã hội có vai trò bảo vệ quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, tạo ra công bằng và bình đẳng, thúc đẩy một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc.
Nhân dịp này, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội trại kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021), với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ, đặc sắc do chính các sinh viên của Học viện biểu diễn.
Theo PGS.TS Đoàn Thị Thanh Huyền, mạng lưới các trường đào tạo về công tác xã hội cũng ngày càng phát triển (ở các trình độ: trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học). Hiện nay, cả nước đã có trên 55 cơ sở giáo dục đào tạo nghề công tác xã hội.
Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngay sau khi được thành lập, Công tác xã hội đã trở thành 1 trong 2 ngành đào tạo đại học đầu tiên của Học viện.
Năm 2013, Học viện bắt đầu đào tạo bậc cử nhân, đến năm 2019, đào tạo bậc thạc sĩ công tác xã hội. Hiện có, 650 sinh viên đã tốt nghiệp sau 4 khóa đào tạo; trong đó có 70% sinh viên sau khi ra trường đã có việc làm phù hợp.