Sôi động M&A ngành logistic
Nhiều thương vụ M&A trong ngành vận tải và logistic đã lộ diện trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay, cho thấy sức hút của ngành này.
Năm 2017 - 2018, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn trong ngành logistics như Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics…
Năm 2019, nhiều thương vụ triệu đô trong lĩnh vực vận tải và logistic tiếp tục nổ ra, có thể kể đến như việc Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn Công ty cổ phần Gemadept; Công ty Symphony International Holdings đầu tư 42,6 triệu USD mua cổ phần của Công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển Indo Trần.
Hay Tập đoàn Mirae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc đã mua hai trung tâm cung ứng hàng hóa tại Việt Nam với giá 53 tỷ won (47,01 triệu USD)…
Trong mùa ĐHCĐ năm nay, Gelex là cái tên được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi các thương vụ đầu tư đình đám của mình. Hội đồng quản trị Gelex đã có nghị quyết về việc thoái vốn toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics, dự kiến diễn ra quý II - III/2020.
Công ty con này hiện có vốn điều lệ 1.210 tỷ đồng do Gelex sở hữu 100%. Thông tin tại ĐHCĐ, lãnh đạo Gelex cho biết, theo chiến lược hoạt động, Tổng công ty sẽ thoái vốn mảng vận hành logistics và giữ lại sở hữu một số bất động sản theo tỷ lệ hiện tại.
ĐHCĐ Công ty cổ phần Transimex (TMS) cũng hé lộ thêm thương vụ M&A của đơn vị này. Cụ thể, nhóm công ty TMS đang sở hữu hơn 50% vốn tại Công ty Vinatrans Đà Nẵng nhưng chưa công bố cụ thể ra công chúng.
Theo TMS, đây là đơn vị khai thác hiệu quả, có quỹ đất, có kho trong cùng Khu công nghiệp Hòa Cầm mà Transimex Đà Nẵng đang khai thác. Kế hoạch của TMS là cải tạo kho này thành kho lạnh.
Ngoài ra, TMS đã tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải và thương mại (TJC) lên 41%. ĐHCĐ TJC sau đó cũng đã bầu thêm một thành viên Hội đồng quản trị (do TMS đề cử) là ông Lê Duy Hiệp cho nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Kết quả bầu cử, ông Hiệp giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị TJC. Hiện TJC đang có 2 con tàu, theo đó TMS sẽ cùng TJC phát triển các tuyến đường sông vùng vịnh Bắc Bộ.
Cổ đông TJC cũng thông qua kế hoạch đầu tư 2 sà lan trọng tải 2.000 - 3.000 tấn để chở hàng rời, hàng container với tổng giá trị đầu tư 60 tỷ đồng.
Quay lại với TMS, Công ty có kế hoạch huy động vốn khoảng 400 tỷ đồng cho giai đoạn 2020 - 2021 thông qua một hoặc nhiều phương án huy động vốn, như phát hành 2 triệu trái phiếu chuyển đổi, tổng giá trị phát hành 200 tỷ đồng (quý IV/2020 và quý III/2021) và phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, tổng khối lượng chào bán tối đa 15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Giá chào bán không thấp hơn 1,3 lần giá trị sổ sách của cổ phần trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán hoặc soát xét gần nhất tính đến thời điểm phát hành. Ngoài ra, Công ty phát hành trái phiếu trơn, tối đa 400 trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng).
Nguồn vốn huy động được sẽ được đầu tư vào các dự án trung tâm Logistic tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng thông qua Vinatrans Đà Nẵng; trung tâm Logistic tại Khu công nghiệp Vĩnh lộc; mở rộng kho lạnh tại trung tâm Logistics Transimex Hi Tech Park, (Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh), đầu tư giai đoạn 2 trung tâm Logistic Thăng Long; đầu tư mới trung tâm logistic và cảng ICD tại Hưng Yên.
Nhiều chuyên gia nhận định, dòng tiền đổ vào M&A trong lĩnh vực vận tải và logistic bởi đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, với nền kinh tế rộng mở, đẩy mạnh giao thương quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do… trở thành đòn bẩy, tăng sức hấp dẫn và mở ra dư địa phát triển cho doanh nghiệp trong ngành nếu chuẩn bị vững vàng nội lực để chớp lấy cơ hội.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/soi-dong-m-a-nganh-logistic-post244868.html