Sỏi mật khi nào cần phải mổ?

Sỏi mật là một trong những bệnh gan mật phổ biến do cholesterol và các thành phần khác trong túi mật kết tinh thành dạng tinh thể rắn. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy, sỏi mật khi nào cần phải mổ?

Ai dễ bị sỏi mật?

Sỏi mật có nhiều nguyên nhân, trong đó thường là do chuyển hóa khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao tạo thành các tinh thể mà từ đó sỏi túi mật được hình thành.

Sỏi túi mật có thể gặp ở bất kể ai, người trẻ tuổi ít bị hơn. Những người sau đây thuộc nhóm có nguy cơ cao bao gồm:

Người có tiền sử gia đình bị sỏi túi mật.
Nữ giới trên 40 tuổi.
Người bị béo phì, người có chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và ít chất xơ, lười vận động… sẽ dễ mắc sỏi mật.
Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, đang mang thai cũng dễ mắc sỏi mật.
Một số bệnh lý như: Tiểu đường, người mắc bệnh đường ruột, chẳng hạn như Crohn, người bị thiếu máu tán huyết hoặc xơ gan, người dùng thuốc để giảm cholesterol... cũng dễ mắc sỏi mật.

Biểu hiện và biến chứng của sỏi mật

Hầu hết người bệnh không có triệu chứng gì, sỏi túi mật được phát hiện tình cờ khi đi siêu âm bệnh khác. Đa số bệnh nhân có biểu hiện khi sỏi túi mật gây biến chứng, mà thường gặp nhất là viêm túi mật hoặc sỏi rơi xuống đường mật gây ra tình trạng tắc mật cấp với biểu hiện đau bụng trên bên phải, đau có thể lan ra vai phải hoặc lưng (tùy biến chứng) hoặc đau sau khi ăn. Bệnh nhân bị vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phân nhạt màu. Buồn nôn và nôn, sốt, ớn lạnh.

Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng sau:

Viêm túi mật: Sỏi mật mắc kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, xuất hiện với những cơn đau dữ dội kèm sốt.
Tắc nghẽn ống mật chủ: Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn đường vận chuyển dịch mật từ túi mật đến ruột non, gây vàng da, đau bụng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng ống mật.
Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy vận chuyển dịch tụy hỗ trợ tiêu hóa, có thể bị tắc nghẽn do sỏi mật, dẫn đến viêm tụy, gây đau bụng dữ dội. Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải nhập viện thường xuyên để theo dõi và điều trị.
Ung thư túi mật: Những trường hợp có tiền sử mắc sỏi mật sẽ đối mặt với nguy cơ ung thư túi mật cao hơn.

Sỏi mật là một trong những bệnh gan mật phổ biến.

Sỏi mật là một trong những bệnh gan mật phổ biến.

Điều trị sỏi mật

Có nhiều phương pháp điều trị, tùy thuộc kích thước, số lượng sỏi và biến chứng do sỏi gây ra.

Siêu âm theo dõi định kì: Thường đối với những trường hợp sỏi túi mật phát hiện tình cờ, chưa gây ra biến chứng, bệnh nhân có thể theo dõi tình trạng bệnh lý của mình qua siêu âm 3 - 6 tháng/lần.
Dùng thuốc: Sử dụng một số thuốc chứa acid mật để phá vỡ sỏi kích thước nhỏ, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện để loại bỏ sỏi túi mật mắc kẹt trong ống mật chủ. Thường được chỉ định khi có biến chứng tắc mật cấp do sỏi từ túi mật rơi vào ống mật chủ. Tuy nhiên, ERCP không thể xử lý được sỏi nằm trong túi mật.
Tán sỏi bằng sóng xung kích: Phương pháp này sẽ làm vỡ sỏi mật thành mảnh nhỏ để dễ dàng loại bỏ ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này đạt hiệu quả chưa cao, nhiều biến chứng.
Ngoại khoa: Đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng sỏi túi mật. Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Sau khi cắt bỏ túi mật, dịch mật sẽ chảy ra khỏi gan qua ống gan và ống mật chủ, trực tiếp đi vào tá tràng. Có thể chọn mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Vậy, khi nào cần phẫu thuật sỏi mật? Thực tế cho thấy sỏi mật nếu không gây viêm đau túi mật, người bệnh không gặp triệu chứng nào thì hầu hết được theo dõi, kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh để sỏi không phát triển về kích thước cũng như gia tăng về số lượng. Một số trường hợp có thể điều trị nội khoa bổ sung mà không cần thiết phải phẫu thuật.

Nếu sỏi mật gây ra biến chứng hoặc có nguy cơ gây ra biến chứng thì dựa trên xem xét tình trạng sức khỏe và mức độ cấp tính của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy sỏi.

Cụ thể phải mổ lấy sỏi mật trong các trường hợp sau: Sỏi lớn hơn 2cm, thể tích sỏi lớn hơn ⅔ tổng thể tích của túi mật, túi mật sứ (là khi thành túi mật rơi vào trạng thái bị bao bọc bởi canxi và dày lên) khiến chức năng co bóp và cô đặc dịch mật bị suy yếu… sẽ được cân nhắc phẫu thuật.

Sỏi mật làm viêm túi mật, nhiễm khuẩn đường mật kèm theo một số triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, sốt cao... túi mật xuất hiện cả sỏi lẫn polyp lớn trên 10mm cũng được cân nhắc phẫu thuật.

Tóm lại: Sỏi mật là loại sỏi hình thành trong túi mật hoặc đường mật, nguyên nhân gây ra tình trạng này rất đa dạng. Bệnh thường gây tình trạng đau bụng kéo dài, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ viêm túi mật, ung thư túi mật, tắc nghẽn đường mật… Việc điều trị sớm và tích cực là bắt buộc với tất cả bệnh nhân được chẩn đoán, bất kể kích thước và số lượng sỏi. Có thể điều trị bệnh bằng nhiều phương pháp như thay đổi lối sống, điều trị nội khoa và ngoại khoa mổ sỏi mật. Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được điều trị theo mách bảo, vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

BS. Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/soi-mat-khi-nao-can-phai-mo-169241106231738288.htm