Sôi nổi phong trào thể dục-thể thao quần chúng
Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào thể dục-thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập thường xuyên. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn.
Hằng ngày, vào cuối giờ chiều cho tới khoảng 8 giờ tối, các sân luyện tập TDTT của xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường đều rất sôi động, rộn rã tiếng nói cười của người chơi thể thao cũng như người cổ vũ.
Chia sẻ về những lợi ích của việc luyện tập TDTT thường xuyên, bác Vũ Văn Thức, thành viên CLB bóng chuyền hơi của xã cho biết: “Mỗi ngày, tôi đều dành ít nhất 1 tiếng để luyện tập môn bóng chuyền hơi hoặc cầu lông. Không chỉ được rèn luyện sức khỏe, luyện tập TDTT thường xuyên còn giúp tôi có cơ hội được giao lưu với những người cùng sở thích. Các buổi luyện tập, giao lưu thể thao cũng góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó xóm làng…”.
Để thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển, huyện Vĩnh Tường chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích của việc luyện tập TDTT, gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Đồng thời, quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng các thiết chế văn hóa - thể thao, đầu tư dụng cụ luyện tập TDTT, tạo điều kiện cho nhân dân được luyện tập thường xuyên.
Năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 trên địa bàn, theo đó, các thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa thôn) còn thiếu về diện tích đều được quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Xây dựng và tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm, toàn huyện có 9 nhà văn hóa thôn được xây mới với ngân sách hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị TDTT ngoài trời cho trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã và khu thể thao các thôn, tổ dân phố, UBND huyện đã chỉ đạo lắp đặt dụng cụ TDTT tại 7 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 64 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí gần 11,7 tỷ đồng.
Hằng năm, ngành Văn hóa và Thông tin huyện chủ động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ về công tác TDTT; hướng dẫn và khuyến khích thành lập các CLB TDTT cơ sở; đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của TDTT đối với đời sống, sức khỏe nhân dân; phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao.
Một số môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, đánh du, đánh đáo... đã được huyện quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Các giải thi đấu thể thao quần chúng được các cấp trên địa bàn huyện tổ chức thường xuyên, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Việc tổ chức và duy trì đều đặn hệ thống các giải thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp huyện cũng là động lực thúc đẩy người dân hăng say luyện tập, đồng thời, qua các giải đấu đã phát hiện và kịp thời bồi dưỡng những nhân tố tham gia các giải do tỉnh tổ chức và giành được nhiều thành tích cao cho huyện.
Cùng với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động “sức dân” để dần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động luyện tập, thi đấu TDTT, duy trì hoạt động của các CLB TDTT.
Đến nay, toàn huyện có 1 trung tâm hội nghị văn hóa - thể thao huyện, 28 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 178 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có nhà tập luyện TDTT đa năng với quy mô, diện tích, công năng sử dụng đạt tiêu chuẩn; các thôn, tổ dân phố đều có sân bóng chuyền, sân thể thao đơn giản…
Các thiết chế văn hóa - thể thao đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân và được sử dụng đúng công năng, mục đích, từ đó, thúc đẩy phong trào TDTT trong quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện Vĩnh Tường chính là sự hình thành và phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng của các CLB TDTT. Các CLB thành lập trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về nguồn tài chính đã góp phần thu hút người dân tham gia luyện tập thường xuyên; đồng thời, gây dựng phong trào TDTT ở cơ sở, huy động nguồn lực từ nhân dân trong việc phát triển hoạt động TDTT.
Hiện trên địa bàn huyện có 334 CLB văn hóa - văn nghệ, TDTT với gần 14.000 hội viên, thành viên tham gia; trong đó có 15 CLB cấp huyện, 228 CLB cấp xã, 91 CLB thuộc khối giáo dục.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường ngày càng phát triển với số người thường xuyên tham gia tập luyện TDTT tăng qua các năm, hình thức tập luyện phong phú, đa dạng.
Đến nay, toàn huyện có hơn 65% hộ gia đình luyện tập TDTT, tỷ lệ người dân thường xuyên luyện tập TDTT đạt hơn 45%. Phong trào TDTT quần chúng đã góp phần tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân luyện tập TDTT, thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa - thể thao; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị TDTT ngoài trời cho trung tâm văn hóa - thể thao các xã, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT; tổ chức hiệu quả, thường xuyên các giải thi đấu thể thao, phát hiện và kịp thời bồi dưỡng những nhân tố tham gia các giải thể thao do tỉnh tổ chức; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển phong trào TDTT; phát triển TDTT quần chúng với nhiều loại hình đa dạng, phong phú nhằm thu hút quần chúng nhân dân tham gia...