Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Phong Phú

Với thành tích liên tục đứng trong tốp đầu của huyện tại các kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, xã Phong Phú (Tân Lạc) đã khẳng định phong trào văn nghệ có sức sống mạnh mẽ, không chỉ là món ăn tinh thần phong phú của người dân, mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc.

Đội văn nghệ xã Phong Phú (Tân Lạc) thường xuyên tập luyện để có các tiết mục hay biểu diễn phục vụ người dân, du khách.

Tham dự buổi tập luyện của đội văn nghệ tại nhà văn hóa xóm Lũy Ải, chúng tôi ấn tượng bởi tinh thần sôi nổi, tích cực, đam mê, đầy nhiệt huyết của từng thành viên. Dù bận rộn nhiều công việc khác nhau, nhưng các thành viên đều thu xếp để đến tập luyện đầy đủ. Chị Đinh Thị Đưn, đội trưởng đội văn nghệ xóm Lũy Ải hồ hởi cho biết: Tuy mỗi người một công việc khác nhau, nhưng đều là những người có chung sở thích, đam mê với văn nghệ, nhất là văn nghệ truyền thống của dân tộc. Để phong phú, đa dạng thêm nhiều bài hát, điệu múa, chúng tôi xem, nghiên cứu, tập huyện các bài hát, điệu múa mới mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Chị em trong đội luôn nhiệt tình, tích cực tham gia tập luyện, để có những tiết mục văn nghệ hay biểu diễn phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.

Phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Phong Phú phát triển mạnh, thành viên các đội văn nghệ không chỉ có những người trung, cao tuổi, mà thanh thiếu niên tham gia vào ngày càng đông. Chị Bùi Thị Trang, công chức Văn hóa xã cho biết: Là địa phương có phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh của huyện, nhiều năm liền, đội văn nghệ quần chúng của xã luôn nằm trong tốp đầu tại các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức, cũng là đơn vị thường xuyên được huyện lựa chọn để tham gia các hội thi, hội diễn của tỉnh. Sau khi xã Địch Giáo nhập vào xã Phong Phú, toàn xã có 14 xóm, phố, mỗi xóm có một đội văn nghệ, với 15 - 20 hạt nhân, là những người có niềm say mê, yêu thích hát, múa, nhạc cụ dân tộc. Các đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự nguyện đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương và nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của Nhân dân. Các đội văn nghệ quần chúng duy trì sinh hoạt thường xuyên. Mỗi đội có thế mạnh riêng, đa phần các tiết mục văn nghệ là bài hát, điệu múa truyền thống dân tộc.

Điểm đặc biệt và tạo sức sống cho phong trào văn nghệ quần chúng ở Phong Phú chính là sự đam mê, nhiệt huyết của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên đối với việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; sự đón nhận, cổ vũ nhiệt tình của Nhân dân qua các buổi diễn. Ngoài việc tập luyện, biểu diễn, thành viên đội còn tích cực hướng dẫn, truyền dạy những làn điệu dân ca, điệu chiêng… cho con em mình, các cháu nhỏ trong xóm, phố, những người có đam mê về văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, không chỉ giúp các đội văn nghệ có cơ hội được biểu diễn, giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, kỷ niệm, xã đều tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, với sự tham gia đầy đủ các đội văn nghệ của xã. Những dịp này, các đội văn nghệ đều có sự đầu tư, chuẩn bị, tập luyện, để mang đến những tiết mục hay nhất biểu diễn phục vụ Nhân dân.

Sức hấp dẫn của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của Nhân dân ở các địa phương. Thông qua đó, người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Hồng Ngọc

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/142316/soi-noi-ph111ng-trao-van-nghe-quan-chung-o-xa-ph111ng-phu.htm