Sôi nổi, trách nhiệm, rõ lộ trình và giải pháp
Theo đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An TRÌNH VĂN NHÃ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An), hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ và Thanh tra được Quốc hội lựa chọn để chất vấn đều là những nội dung nóng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhất là khi thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần đưa ra bàn thảo và làm rõ... Không khí chất vấn, tranh luận tại nghị trường đã cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của các ĐBQH, đồng hành cùng các 'tư lệnh' ngành tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc đang đặt ra…
Quốc hội lựa chọn vấn đề chất vấn là những lĩnh vực nóng
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, có thể thấy, vấn đề được Quốc hội lựa chọn để chất vấn là những lĩnh vực nóng, quan trọng, được các ĐBQH, cử tri cả nước rất quan tâm, cần thiết phải được giải đáp, giải quyết kịp thời… Tại các phiên chất vấn, các ĐBQH đã đặt câu hỏi hết sức ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, phản ánh đúng thực tiễn; đặc biệt, không ngại đề cập đến những vấn đề nóng trong xã hội thời gian qua.
Đơn cử như đối với lĩnh vực Nội vụ là các vấn đề, như: Việc sáp nhập xã, thôn làm tăng khối lượng công việc, tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách nhưng chế độ phụ cấp thì vẫn như trước; việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên; tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương…
Hay như lĩnh vực Thanh tra chất vấn tập trung vào nguyên nhân, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra Trách nhiệm của ngành Thanh tra đối với công tác thanh tra lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thẳng thắn thừa nhận: Có khoảng hơn 7.700 biên chế đang là biên chế viên chức nhưng lại đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cả Trung ương và địa phương. Từ thực tế này, Bộ trưởng cho biết, sẽ xem xét kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể thực chất người làm việc đến thời điểm này như thế nào, sau đó sẽ đề xuất để chuyển đổi biên chế từ viên chức, trả lại tên cho họ (đó là biên chế công chức). Đồng thời, tại phiên chất vấn, người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho biết: Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài; cùng với chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài sẽ có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn…
Còn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong phần trả lời chất vấn, “tư lệnh” ngành thanh tra cũng nêu rõ: Việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp, chưa đạt được như mong muốn. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 04 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong những vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế… 9 tháng năm 2022, thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Do đó, trong thời gian tới phải tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 04 của Ban Bí thư.
Góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát
Bên cạnh đánh giá cao các ý kiến chất vấn của ĐBQH, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã đánh giá cao phần trả lời của các “tư lệnh” ngành Nội vụ và Thanh tra. Các “tư lệnh” đã nắm rất sát, rất vững tình hình, thực trạng của ngành; chỉ rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế, những vướng mắc, bất cập; đồng thời có nhiều giải pháp, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ… Như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trong phần Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ: "Ngành Nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực hôm nay là những vấn đề luôn mang tính thời sự, thực tiễn đang có nhiều vướng mắc, được các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm"…
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các nội dung tranh luận khá thẳng thắn, đi đến cùng những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và quan trọng hơn cả là đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời… Đặc biệt, Chủ tọa đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác điều hành các nội dung làm việc, được cử tri đánh giá cao bởi sự linh hoạt, khoa học, dẫn dắt phần hỏi và trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm. Sau mỗi nội dung chất vấn, Chủ tọa đều đưa ra kết luận, làm cơ sở để ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Tin rằng, kết quả đạt được từ phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa cảm hứng, hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát, làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng bám sát thực tiễn, mang đậm hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân… Thành công của phiên chất vấn sẽ là kinh nghiệm quý để HĐND các địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An học tập.