'Soi' sức khỏe các kênh đầu tư trong năm 2020
Mua vàng, gửi tiết kiệm, kinh doanh chứng khoán hay bất động sản ... sẽ là lựa chọn khả quan dành cho các nhà đầu tư trong quý I/2020?
Giá vàng tiếp tục tăng
Đây là đánh giá phổ biến của giới phân tích về kênh đầu tư này. Giới phân tích nhận định rủi ro địa chính trị, đồng USD yếu và lãi suất âm sẽ là những yếu tố tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong năm 2020.
Tại thời điểm đầu năm 2020, giá vàng có lúc ở đỉnh 7 năm, dao động quanh mức 1.600 USD do căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Giá vàng được niêm yết bằng USD trên toàn cầu. Vì thế, hai tài sản này sẽ diễn biến ngược nhau. USD yếu đi sẽ kéo vàng tăng và ngược lại. Bên cạnh đó, lãi suất âm được áp dụng tại nhiều nước cũng đồng nghĩa tổ chức cho vay sẽ mất tiền, từ đó có xu hướng đổ tiền vào vàng.
Vàng cũng hấp dẫn hơn so với nhiều tiền tệ khác. Phần lớn chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tăng ít nhất 2% trong năm 2020 và thậm chí tăng tới 27% trong 1-2 năm tới. Giá thế giới tăng gần 20% do tác động của lãi suất ở mức thấp, căng thẳng địa chính trị ở châu Âu cũng như thương mại Mỹ - Trung thúc đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn lên cao.
Nhờ đó, vàng trong nước tăng hơn 16%, tức tăng khoảng 6 triệu đồng một lượng. Mức sinh lời này cao hơn tốc độ tăng giá nhà tại TP HCM là 12%, chỉ số chứng khoán VN-Index (7%) và gấp hai lần so với lãi suất 8% khi gửi tiết kiệm ngân hàng.
Cổ phiếu: Cách tốt để xây tài sản dài hạn
Đổ tiền vào thị trường chứng khoán là một trong những cách tốt nhất để xây dựng tài sản dài hạn.
VN-Index kết thúc năm 2019 với việc chỉ tăng 7,67% so với cuối 2018 và đạt 960,99 điểm. Bước sang năm 2020, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Đến nay, nhiều CTCK đã công bố báo cáo chiến lược đầu tư 2020 và đều dự báo VN-Index có thể vượt được mốc 1.000 điểm.
Mức tăng điểm của VN-Index trong 2020 sẽ vừa phải và theo sát yếu tố cơ bản hơn là sự thổi phồng về giá. Theo đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 950 – 1.120 điểm. Theo VDSC, trong bối cảnh dòng tiền dành cho kênh chứng khoán không còn dồi dào như giai đoạn cuối 2016 – đầu 2018 thì việc đầu tư cũng cần có sự chắt lọc kỹ càng, hướng đến các doanh nghiệp có sự tăng trưởng thực chất từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Bên cạnh những dự báo về thị trường chung, các CTCK cũng đưa ra những nhận định về từng ngành, cổ phiếu ưa thích trong năm 2020. VDSC tin rằng các ngành liên quan đến tiêu dùng vẫn được đánh giá tích cực nhất, như công nghệ, bán lẻ, F&B (thực phẩm và đồ uống) và ngân hàng. Ngoài ra, VDSC cũng đánh giá tích cực với bất động sản khu công nghiệp, dầu khí và ô tô - phụ tùng.
Đầu tư bất động sản 2020: Cần thận trọng
Sau các cơn sốt đất 2016 - 2018, giá bất động sản ở vùng đỉnh, gây khó khăn cho quyết định đầu tư.
Theo các chuyên gia, nếu xét toàn thị trường, giá đất đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của các cơn sốt đất diễn ra liên tục giai đoạn 2016-2018. Mặt khác, nhiều quan ngại cho rằng giá đất đang tăng ảo so với giá trị. Đây là giai đoạn khó khăn cho người mua vì đi ngược lại quy tắc mua đáy bán đỉnh và phải cân não với mức giá đỉnh hiện nay liệu mua vào có lãi trong tương lai hay không.
Tuy nhiên, quyết định mua đất phụ thuộc nhiều vào nguồn lực và nhu cầu, ít bị tác động bởi giá đắt hay rẻ. Vì xét cho cùng, nếu đây là nhu cầu thật kèm với khả năng chi trả tốt, dù giá cao, khách vẫn xuống tiền mua. Trong ngắn hạn giá đất có thể bị điều chỉnh cục bộ nhưng trong dài hạn, tính bằng đơn vị thập niên, giá đất luôn đi lên. Thậm chí có một bộ phận khách hàng đặt ra mục tiêu phải sở hữu cho bằng được một hoặc nhiều mảnh đất xem như thành tựu để đời.
Nếu nhà đầu tư quyết tâm mua đất nên áp dụng một nguyên tắc cơ bản là khảo sát thực tế nhiều lần. Nên rà soát pháp lý qua nhiều kênh (môi giới, luật sư, chính quyền địa phương...). Khảo sát nhiều để so sánh giá cả, tránh mua hớ. Đi thực tế nhiều để hiểu sâu về đất sắp mua, nếu còn băn khoăn hoài nghi. Xem nhiều để chọn khu vực phù hợp, tránh việc xa trường xa chợ xa chỗ làm. Theo ý kiến chuyên gia, bất ổn pháp lý là rủi ro lớn nhất đối với thị trường đất nền, do đó, nhà đầu tư cần thận trọng khi chọn mặt gửi vàng để tránh sập bẫy.
Gửi tiết kiệm ngân hàng: 70% người dân Việt ưa thích
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen (2018), hơn 70% người dân Việt Nam xem tiết kiệm là lựa chọn ưa thích. Ưu điểm thanh khoản cao (có thể rút tiền bất kỳ lúc nào), kỳ hạn linh hoạt, ít rủi ro nhưng gửi tiết kiệm thì lãi suất lại thấp so với các kênh đầu tư khác. Người gửi tiền thường nhận được mức lãi suất 4,3–9% một năm tùy từng kỳ hạn, số tiền và ngân hàng.
Chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá gần tương tự sổ tiết kiệm, được ngân hàng phát hành từng đợt tùy vào nhu cầu huy động vốn. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá, kỳ hạn đa dạng nhưng thường là dài trên 1,5 năm. Đây là một kênh đầu tư ít rủi ro, lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm.
Người mua chứng chỉ tiền gửi thường không được rút trước hạn nhưng có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn. Tính thanh khoản nói chung kém hơn gửi tiết kiệm. Kênh đầu tư này phù hợp với những người không có ý định dùng tiền trong thời gian dài (trên 1,5 năm).
Trái phiếu ngân hàng: Nhiều rủi ro
Trái phiếu ngân hàng là một loại giấy tờ có giá khác do ngân hàng phát hành, có các mệnh giá khác nhau, rủi ro thấp. Trong các đợt phát hành gần đây, kỳ hạn của trái phiếu ngân hàng thường dài hơn 2 năm, thậm chí lên tới 5-10 năm.
Lãi suất của trái phiếu ngân hàng kỳ hạn 2-3 năm thường từ 6,5% đến 7,3% mỗi năm, ngang với lãi suất tiết kiệm dài hạn, nhưng số tiền bỏ ra lớn hơn. Còn trái phiếu kỳ hạn dài 5-10 năm, có mức lãi suất cố định khoảng 8% hoặc lãi suất thả nổi bằng trung bình tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 1-2%. Nếu ngân hàng không mua lại trái phiếu vào ngày thực hiện quyền mua lại, lãi suất trái phiếu áp dụng cho 2 năm cuối có thể lần lượt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 2,5-3% một năm, tuy nhiên đa phần nhà băng đều mua lại để tránh việc phải trả lãi cao. Với lãi suất thực tế các nhà băng công bố, trái phiếu ngân hàng đang kém hấp dẫn hơn so với chứng chỉ tiền gửi cùng kỳ hạn.
Về tính thanh khoản, loại trái phiếu này không được phép thanh toán trước hạn, nhưng các ngân hàng có thể mua lại sau khoảng nửa thời gian. Khách hàng cũng có thể cầm cố tại chính ngân hàng hoặc bất kỳ nhà băng nào khác khi có nhu cầu vay vốn với lãi suất chênh lệch khoảng 0,5% một năm. Ngoài ra, người sở hữu trái phiếu có quyền chuyển nhượng, bán, cho tặng, thừa kế...
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều ngân hàng phân phối trái phiếu do doanh nghiệp phát hành với mức lãi suất lên tới 11-13% một năm, thậm chí lên tới 20%. Khách hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng phân phối cần phải hiểu rõ đây là hình thức đầu tư vào doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cảnh báo nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có kinh nghiệm đầu tư không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi cao. Các doanh nghiệp thường phát hành theo hình thức riêng lẻ không công khai đầy đủ thông tin, phần lớn trái phiếu không chuyển đổi và không tài sản đảm bảo, vì vậy có rất nhiều rủi ro đối với người mua.
Quỹ mở
Ngoài các sản phẩm do ngân hàng cung cấp, người dân cũng có thể bỏ tiền vào chứng chỉ quỹ của quỹ mở, được phân phối qua kênh ngân hàng. Thay vì trực tiếp chơi chứng khoán, đây là hình thức khách hàng góp tiền cho quỹ đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Số tiền tối thiểu có thể đầu tư vào quỹ mở thường là vài triệu đồng. Có 3 loại danh mục cho khách hàng lựa chọn: đầu tư vào trái phiếu; đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu và đầu tư vào mỗi cổ phiếu. Mức lợi suất kỳ vọng nhận được cho ba danh mục này là khác nhau và cũng không có bất kỳ cam kết lợi suất nào từ phía quỹ mở bởi giá trị danh mục đầu tư biến động từng ngày. Đây là kênh đầu tư có rủi ro đi kèm với mức lợi nhuận kỳ vọng tốt hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, mua trái phiếu và chứng chỉ quỹ của ngân hàng.
Về tính thanh khoản, khách có thể rút tiền khỏi quỹ bất kỳ lúc nào. Quỹ có trách nhiệm mua lại với giá được công bố tại ngày giao dịch. Đây là kênh đầu tư sinh lời trong dài hạn và tỷ suất lợi nhuận thay đổi hàng năm tùy theo kết quả đầu tư của quỹ.
Nhìn chung, chứng chỉ quỹ phù hợp với người chưa có đủ kiến thức về đầu tư, không có thời gian theo dõi thị trường hằng ngày, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và mong muốn mức lợi suất tốt trong dài hạn.
Trái phiếu Kho bạc Nhà nước
Các ngân hàng cũng phân phối trái phiếu của Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) cho nhà đầu tư cá nhân. Trái phiếu Kho bạc có mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng, không có rủi ro. Lãi suất của trái phiếu 3-10% tùy thời điểm, kỳ hạn, là hình thức đầu tư có lãi suất thấp nhất so với các kênh còn lại.
Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 2 năm, 3 năm, nhưng phần lớn là kỳ hạn dài 5 năm trở lên, 10 năm, 15 năm, 30 năm. Người nắm trái phiếu Kho bạc cũng không được phép thanh toán trước hạn mà chỉ có thể mua bán, chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-te/soi-suc-khoe-cac-kenh-dau-tu-trong-nam-2020-ar522600.html