'Soi sức khỏe' SeABank trước khi chào sàn HoSE
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của SeABank tăng gần 66%, tổng tài sản tăng 6,3%, tiền gửi tăng 7,1%... trong khi nợ xấu giảm nhẹ 4%.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) có thể sẽ là ngân hàng tiếp theo chuẩn bị niêm yết trên sàn HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM). Trước đó, ngày 24/11, SeABank gửi hồ sơ đăng ký niêm yết với 1,2 tỷ cổ phiếu (tương đương hơn 12 nghìn tỷ đồng) lên HoSE. Hiện toàn bộ số cổ phiếu này đã tạm ngừng giao dịch chuyển nhượng từ ngày 10/11 để chốt danh sách cổ đông chuẩn bị cho việc niêm yết.
Báo cáo tài chính cho thấy, trước khi chuyển sàn, SeABank có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Theo đó, 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước và sau thuế hơn 1.131 tỷ đồng và hơn 887 tỷ đồng, tăng 66% và 65% so với cùng kỳ. Như vậy, so với kế hoạch 1.506 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm nay, SeABank đã thực hiện được 75% chỉ tiêu.
Riêng quý III, hoạt động chính của SeABank sụt giảm 10% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 747 tỷ đồng lãi thuần. Trong khi đó, các hoạt động ngoài lãi đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ như lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp 2,4 lần đạt 37,1 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 407 lần đạt gần 28,5 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 9,6 lần đạt 15,1 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng gấp 16 lần đạt 210,6 tỷ đồng so cùng kỳ 2019.
Tính đến ngày 30/09, tổng tài sản của SeABank tăng nhẹ 6,3% so với đầu năm, lên mức hơn 167.426 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu 21%, các khoản lãi, phí phải thu 7%.
Về chất lượng nợ vay, đến hết quý III, tổng nợ xấu của SeABank giảm nhẹ 4% so với đầu năm, chủ yếu nhờ nợ dưới tiêu chuẩn giảm 3% và nợ nghi ngờ giảm 41%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của SeABank giảm nhẹ từ mức 2,31% hồi đầu năm xuống còn 2,23%.
Tháng 6 năm nay, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc SEABank tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông SeABank thông qua tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 29/4/2019.
Theo đó SeABank sẽ tăng vốn điều lệ thông qua 2 đợt. Đợt 1, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14%, tương đương phát hành 131,166 triệu cổ phiếu, nguồn thực hiện được trích từ lãi sau thuế 2019. Đợt còn lại là chào bán gần 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% với giá 10.000 đồng/cp.
Với số tiền thu về, ngân hàng sẽ đầu tư 80 tỷ đồng cho đầu tư tài sản cố định và 1.789 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, còn lại sẽ đầu tư bổ sung các khoản trái phiếu có độ rủi ro thấp như trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu Chính phủ.
SeABank ra đời năm 1994, hiện có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, là một trong số ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/soi-suc-khoe-seabank-truoc-khi-chao-san-hose-ar582795.html