Soi sức mạnh của 'báo thép' T-72B3 Nga điều về trấn giữ Crimea
Lữ đoàn tăng số 126 thuộc Lực lượng Phòng vệ bờ biển Crimea đã nhận được một số lượng lớn các xe tăng chủ lực T-72B3, động thái được cho là nhằm đề phòng căng thẳng giữa Nga với NATO tại Biển Đen leo thang.
Dòng tăng T-72
Xe tăng T-72 ban đầu được thiết kế như lực lượng dự bị và rẻ tiền, đề phòng chiến tranh lớn, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nó tỏ ra là một cỗ máy đơn giản, đáng tin cậy và hiệu quả, từng đóng vai trò chủ lực trong đội hình bộ binh cơ giới của Liên Xô suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Do đó, nó được cải tiến, trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống vũ khí dẫn đường hiện đại hơn, và từ những năm 1990, T-72B đã trở thành xe tăng chủ lực của quân đội Nga.
Tới đầu những năm 1990, tổng cộng đã có gần 20.000 chiếc T-72 được sản xuất tại Liên Xô và theo giấy phép tại nhiều quốc gia khác (Liên bang Tiệp Khắc, Ấn Độ, Romania và Liên bang Nam Tư). Các phiên bản T-72B, B1, BA đã và vẫn là cơ sở của lực lượng thiết giáp Nga và hơn 50 quốc gia khác trên thế giới. So với các dòng xe tăng của Mỹ và châu Âu cùng thời, xe tăng T-72 có kích thước nhỏ gọn và cơ động hơn, trọng tâm thấp giúp xe ổn định hơn ở tốc độ cơ động cao với mục tiêu sử dụng hỏa lực và khả năng cơ động cao để bù lại nhược điểm về giáp bảo vệ.
Thiết kế của xe được thu gọn với hệ thống nạp đạn tự động và pháo chính cỡ 125mm giúp xe tăng T-72 dù chỉ có trọng lượng khoảng 41 tấn, nhưng vẫn đủ uy lực để đánh bại các dòng xe tăng hiện đại của Mỹ và châu Âu. Tại các chiến trường ở khu vực Trung Đông trong thập kỷ 1980, xe tăng T-72 đều nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia quân sự về hỏa lực, khả năng cơ động và độ tin cậy.
Phiên bản hiện đại hóa T-72B3
Xe tăng T-72B3 là biến thể hiện đại hóa sâu của dòng tăng T-72, được đưa vào trang bị cho Lục quân Nga từ năm 2013. Ban đầu, việc cải tiến T-72B3 được thực hiện như một giải pháp thay thế nhanh chóng và ít tốn kém xe tăng chủ lực T-90A trước khi lực lượng mặt đất Nga tiếp nhận thế hệ xe tăng mới T-14. Tuy nhiên, sau khi được nhà máy Uralvagonzavod hiện đại hóa, những chiếc T-72B3 có khả năng gần tương đương với xe tăng T-90S - phiên bản xuất khẩu của tăng T-90.
Đến năm 2020, có tổng cộng 558 xe tăng được nâng cấp lên tiêu chuẩn T-72B3. Hiện T-72B3 mới chỉ được trang bị trong Lục quân Nga và một số ít được chuyển giao cho quân đội chính phủ Syira. Trong suốt năm 2014 và 2015, T-72B3 đã tham chiến trong một số cuộc xung đột quân sự ở Ukraine; năm 2017 - hoạt động ở Syria.
T-72B3 được trang bị hệ thống bảo vệ hoàn toàn mới - lớp giáp phản ứng nổ Relikt/ Kontakt-5, biến nó thành pháo đài di động có khả năng chống lại các loại tên lửa chống tăng - đặc biệt là tên lửa chống tăng xuyên phá, đạn chống tăng nổ lõm hoặc đạn thanh xuyên dưới cỡ. Phiên bản hiện đại hóa được trang bị giáp lồng, bao phủ các phần phía sau của thân xe và tháp pháo...
Hỏa lực của T-72B3 được nâng lên đáng kể nhờ trang bị pháo 2А46М-5 nòng trơn (D-81M) cỡ 125 mm mới (cơ số đạn 40 viên), với khả năng bắn các loại đạn xuyên giáp và phóng tên lửa từ nòng pháo, như 9M119 Svir (tên lửa dẫn đường bằng laser, đinh danh NATO - AT-11) hoặc 9M119M Refleks (định danh NATO - Sniper) giúp nâng tầm bắn lên tới 5-6 km. Pháo mới cũng cho phép sử dụng các loại đạn phụ xuyên giáp mới như “Lead-1”, “Lead-2”. Ngoài ra xe còn được trang bị 1 súng phòng không 12,7 mm (6P50 Kord, cơ số đạn 300 viên, tốc độ bắn 700 viên/phút) và 1 trung liên đồng trục 7,62 mm (PKT, cơ số đạn 2.000 viên, tốc độ bắn 700 viên/phút).
Nhờ kính ngắm Sosna-U và 1A40-4 mới, độ chính xác khi bắn được tăng lên, cả khi đang di chuyển và đứng yên. Kênh ảnh nhiệt của tầm ngắm chính đảm bảo hoạt động đáng tin cậy của các thiết bị dẫn đường trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể thời gian nào trong ngày. T-72B3 còn được trang bị hệ thống tính toán đạn đạo điện tử, các cảm biến phục vụ theo dõi điều kiện khai hỏa và hệ thống theo dõi mục tiêu tự động. Chỉ huy xe sử dụng kính ngắm TKN-3MK - phiên bản hiện đại hóa của TKN-3 thời Liên Xô với hệ thống “Double” và EOP thế hệ thứ 2.
Trên T-72B3, động cơ cũ B-46 780 mã lực được thay thế bằng động cơ V-92S2F 1130 mã lực (dùng cho tăng T-90), được trang bị hộp số tự động (APP-172, có chế độ vận hành bằng tay và tự động, được phát triển tại NPO Elektromashina của tập đoàn Uralvagonzavod) tương tự như T-90MS, giúp xe tăng còn có khả năng cơ động và đạt tốc độ cao. Các dòng xe tăng của phương Tây như Leopard-2, Chanlenger-2, AMX-56 Leclerc hay M1A2 Abrams đều có động cơ mạnh hơn tới gần 1.500 mã lực.
Tuy nhiên, trọng lượng các xe tăng của Mỹ và châu Âu đều chạm và vượt qua ngưỡng 60 tấn khiến chúng không thể có khả năng cơ động cao như T-72B3. Việc sử dụng sang số tự động cho phép tối ưu hóa hoạt động của hộp số do được điều khiển chính xác. Kiểm soát hộp số chính xác có thể giảm thời gian tăng tốc từ trạng thái dừng lên 50 km/h trong 2-3 giây, tốc độ đường nhựa trung bình có thể tăng 15-20%, mức tiêu hao nhiên liệu giảm 10-15% - tăng đáng kể khả năng cơ động và cải thiện các đặc tính hoạt động của xe.
Xe được tích hợp hệ thống điều khiển tự động với màn hình kỹ thuật số và camera phía sau, hiển thị thông báo về bất cứ hư hại nào trên thân xe tăng; lái xe nhận được thiết bị quan sát hai mắt ban đêm TVN-5. Hệ thống thông tin liên lạc bao gồm một đài vô tuyến sóng VHF “Aqueduct” R-168-25U-2, với 2 bộ thu phát. T-72B3 có trọng lượng chiến đấu 46 tấn, kíp xe 3 thành viên, dài 6.860 mm (kể cả nòng pháo – 9.530 mm), cao 2.226 mm, tốc độ đạt 70 km/h, sử dụng hệ thống giảm xốc treo xoắn, dự trữ hành trình 500 km (đường nhựa) hay 400 km (địa hình xấu), có thể leo dốc 30 độ, vượt kênh rộng 1,2 m.
Ngoài bị thiết bị khói nhiệt (TDA), xe tăng này được trang bị hệ thống màn khói 3D17 “Tucha”, với số lượng 8 quả (2 giàn 4 quả), tạo ra màn khói trong 20 giây và có thể che chắn khỏi tầm nhìn của đối phương. Tuy vậy, theo các chuyên gia quân sự, T-72B3 vẫn có các nhược điểm: tốc độ lùi thấp; phần trước xe dễ bị tổn thương và thiết bị quan sát của người lái hạn chế; thời gian nạp đạn lâu hơn so với T-80U và các dòng xe cùng lớp NATO; không gian cho kíp lái hẹp; vỏ giáp sườn mỏng, thiếu thiết bị hiển thị toàn cảnh (tầm nhìn ảnh nhiệt ở chỉ huy), dấu hiệu hồng ngoại cao.
Tổng thể, việc kết hợp những gì tốt nhất trong chế tạo xe tăng hiện đại - khả năng bảo vệ, tính cơ động, hệ thống điều khiển hỏa lực, thông tin liên lạc, vũ khí… làm cho T-72B3 trở thành một trong những xe tăng tốt nhất trên thế giới. Theo một chuyên gia National Interest, nhờ hiện đại hóa sâu của T-72B3, quân đội Nga đã nhận được những phương tiện chiến đấu không thua kém các mẫu xe mới nhất. Thực tế này đã hơn một lần được xác nhận bởi cuộc thi quân sự “Tank Biathlon”, nơi T-72B3 không chỉ cạnh tranh với T-90 của Ấn Độ tiên tiến hơn mà còn với Type 96A của Trung Quốc, và luôn là người chiến thắng.