Sợi Thế Kỷ: Lợi nhuận thấp trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng
Dù đã bù đắp bằng đơn hàng có giá trị gia tăng cao, nhưng kết quả chung cuộc lãi của Sợi Thế Kỷ rất khiêm tốn.
Thị trường xuất khẩu chính: Tồn kho cao và nhu cầu thị trường yếu
Trong quý I/2023, các thị trường nhập khẩu dệt may chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn ghi nhận mức tồn mức kho cao và nhu cầu thị trường yếu. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã ghi nhận kết quả ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ 2022, hoàn thành 15,9% so với kế hoạch đề ra cho năm 2023 (45 tỷ USD khi thị trường phục hồi chậm và 47 tỷ USD khi thị trường khôi phục tốt trong nửa cuối năm).
Cụ thể, theo nguồn từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, thị trường Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam ước đạt 3,05 tỷ USD, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 42,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước;
Thị trường Nhật Bản nhập khoảng 860,5 triệu USD giá trị hàng dệt may Việt Nam, Hàn Quốc nhập khoảng 796,8 triệu USD, lần lượt tăng 11,7% và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước;
Xuất khẩu sang thị trường EU trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 511 triệu USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ.
Cập nhật báo cáo công bố của các nhãn hàng thời trang như Adidas, Nike và Puma, theo đó, Nike ghi nhận tỷ lệ tồn kho tại ngày 28/02/2023 tăng 16% so cùng kỳ; tỷ lệ tồn kho của Adidas và Puma cuối năm 2022 cũng tăng lần lượt 49% và 50% so với năm 2021. Puma cho rằng năm 2023, thị trường sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi mức tồn kho của toàn ngành đang tăng cao.
Tuy nhiên, các thương hiệu này vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm sắp tới.
Theo Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK-HOSE), trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là một điểm đến chính của các nhà nhập khẩu, các nhãn hàng lớn, thu hút bởi khả năng sản xuất – đi từ sợi, dệt, nhuộm đến may; cũng như sự ổn định chính trị và các ưu đãi thuế quan dựa trên các hiệp định thương mại đã ký - EVFTA, CPTPP, hiệp định RCEP, UKVFTA. Nhu cầu sợi trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTAs cũng như chiến lược “near shoring” của các thương hiệu.
Theo báo cáo “The State of Fashion 2023- McKinsey, 65% các nhà lãnh đạo thuộc các công ty trong ngành thời trang nhận định chiến lược lựa chọn các nhà cung ứng near-shoring sẽ là một trong những hoạt động được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2023, với mục tiêu đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tối ưu hóa chi phí và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường như sợi tái chế, sợi nhuộm dope dyed của các thương hiệu hàng đầu như Nike, Adidas, H&M, Uniqlo không ngừng tăng trưởng).
Theo Liên đoàn Dệt may châu Âu (Euratex), chiến lược chủ yếu của ngành dệt may tại thị trường này là cắt giảm phát thải carbonfootprint, thúc đẩy tính bền vững của chuỗi cung ứng thông qua việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái chế, có tuổi thọ sử dụng cao và đáp ứng các tiêu chí về trách nhiệm xã hội.
Hụt đơn hàng, lãi sụt giảm mạnh, đang thực hiện giai đoạn I dự án Unitex
Với Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, trong kỳ, Công ty nỗ lực thu hút những đơn hàng theo yêu cầu có giá trị gia tăng cao, dù những đơn hàng này có khối lượng nhỏ, nhưng giá bán và lợi nhuận tốt hơn.
Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ cũng đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá bán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, doanh thu bán hàng đạt 287,8 tỷ, hoàn thành 53,6% so với kế hoạch quý, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu doanh thu, tỷ lệ sợi tái chế đạt 57,7% trong tổng doanh thu (hoàn thành 64% năm 2023).
Trong kỳ, Sợi Thế Kỷ thực hiện tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng duy trì mạng lưới khách hàng hiện hữu, chủ động cập nhật thông tin khách hàng và phát triển thêm khách hàng mới để nhận thêm đơn hàng, đẩy mạnh hoạt động bán hàng tồn kho, linh hoạt trong chính sách bán hàng và duy trì biên độ price gap ổn định. Số lượng khách hàng mới trong quý I/2023 là 11.
Công ty đạt lợi nhuận gộp 17,9 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kì, biên lợi nhuận gộp 6,2%.
Theo Sợi Thế Kỷ, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thị trường, Công ty nỗ lực duy trì thực hiện các biện pháp quản lý chi phí tài chính, kiểm soát ngân sách chi phí bán hàng và tiết giảm tiêu hao lãng phí trong hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực của đội ngũ lao động cũng như cố gắng giữ vững chất lượng sản phẩm sản xuất nhằm duy trì biên lợi nhuận ổn định.
Kết quả, Sợi Thế Kỷ ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 1,6 tỷ đồng, giảm đến 97,8% so với cùng kỳ, rất khiêm tốn, bằng 0,6% so với kế hoạch cả năm, trong khi doanh thu đạt 13,4% kế hoạch.
Hiện, Công ty đang thực hiện giai đoạn I của Unitex, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn I vào đầu năm 2024 – khi các nhãn hàng bắt đầu đặt hàng cho mùa thu đông 2024.
Sợi Thế Kỷ đã ký kết Hợp đồng vay hợp vốn 52,5 triệu USD với các ngân hàng nước ngoài (do CTBC thu xếp) để tài trợ cho dự án Unitex giai đoạn 1.
Giai đoạn II của Unitex dự kiến triển khai vào năm 2026 và đưa vào hoạt động vào năm 2027 – chậm hơn 1 năm so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, nếu thị trường phục hồi tốt hơn, Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai của giai đoạn này.