Sỏi tụy có nguy hiểm không?
Sỏi tụy hình thành từ sự lắng đọng canxi trong tuyến tụy và có thể ngăn chặn dòng chảy của các enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy đến ruột non. Sỏi tụy thường phát hiện chủ yếu ở những người bị viêm tụy mạn tính.
Sỏi tụy là gì?
Tuyến tụy là một cơ quan nằm phía sau dạ dày, có nhiệm vụ tạo ra các enzyme, là các protein đặc biệt giúp tiêu hóa thức ăn đồng thời thúc đẩy các hormone kiểm soát mức độ đường trong máu.
Sỏi tụy hình thành từ sự lắng đọng canxi trong tuyến tụy và có thể ngăn chặn dòng chảy của các enzyme tiêu hóa từ tuyến tụy đến ruột non. Sỏi tụy thường phát hiện chủ yếu ở những người bị viêm tụy mạn tính, một tình trạng viêm thường liên quan đến lạm dụng rượu lâu dài.
Thực tế ghi nhận, các bệnh về của tuyến tụy đang có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân như do sỏi mật, chấn thương vùng bụng, nhiễm siêu vi hoặc do dùng thuốc, lạm dụng rượu bia…. và viêm tụy là một trong số những bệnh thường gặp nhất.
Nguyên nhân gây sỏi tụy
Sỏi tụy được giải thích theo giả thuyết sau:
- Rượu và viêm tụy mạn tính gián tiếp gây ra sự kết tinh và lắng đọng canxi cacbonat và sự hình thành sỏi.
- Hẹp ống tụy gây ứ đọng dịch tụy và tăng cường sự cô đặc dịch tụy và dẫn đến hình thành sỏi tụy. Tăng calci máu có thể gây ra sự gia tăng mức độ canxi trong dịch tụy, làm tăng tốc độ hình thành sỏi tụy ở bệnh nhân cường cận giáp.
Triệu chứng sỏi tụy
Sỏi tụy thường không có triệu chứng rõ rệt khi chúng mới hình thành tích tụ canxi trong tuyến tụy. Thường những biểu hiện sỏi tụy xuất hiện khi chúng hình thành viên sỏi với triệu chứng dễ thấy như:
Đau bụng.
Nôn, buồn nôn.
Chướng bụng.
Các dấu hiệu cho thấy tụy bị tổn thương nghiêm trọng: Vàng da, vàng mắt, tắc ruột, cơn đau bụng trên có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ với mức độ dữ dội. Người bệnh trong một số trường hợp còn cảm thấy tình trạng đau gia tăng sau khi ăn no.
Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến việc mô tụy bị tổn thương, viêm nhiễm, tạo tiền đề cho một số các biến chứng như: Suy giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, nguy cơ mắc tiểu đường.
Việc sỏi phát triển trong tụy có thể khiến các lớp niêm mạc đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ tụy trở nên suy yếu, tạo điều kiện cho loại vi khuẩn có hại tấn công. Viêm nhiễm các nang tụy về lâu dài sẽ dẫn đến hoại tử mô, chảy máu trong, tăng nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Điều trị sỏi tụy
Tùy vào vị trí, kích thước và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà sỏi tụy có cách điều trị khác nhau. Trong đó sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Trường hợp đối với những bệnh nhân sỏi tụy không đáp ứng thuốc tán sỏi và xuất hiện tình trạng đau nghiêm trọng hơn thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp nội soi tán sỏi.
Với phương pháp này sẽ giúp làm giảm áp lực trong lòng ống tụy khi sỏi làm tắc nghẽn. Đồng thời tiến hành tán sỏi để giúp nong rộng ống tủy về trạng thái bình thường.
Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế sử dụng rượu bia để làm giảm các cơn đau tụy. Nên thực hiện chế độ ăn ít dầu mỡ, nhiều rau xanh để giúp hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa mà nên chia nhỏ bữa ăn để giúp hệ tiêu hóa vận hành tốt hơn.
Có thể nhịn ăn 1 - 2 bữa để giảm cảm giác đau và tuyến tụy được nghỉ ngơi để hồi phục trong quá trình sử dụng thuốc. Uống nhiều nước lọc, hạn chế nước ngọt, tinh bột.
Khi sỏi tụy đã hình thành, ngoài triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ở thượng vị thì có thể kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đôi khi có sốt cao, dài ngày. Bệnh gây ra tình trạng hấp thu dinh dưỡng và trao đổi chất kém, đồng thời tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường. Hơn nữa, người bệnh cũng có khả năng bị chảy máu trong tuyến tụy do sỏi di chuyển quanh thành niêm mạc.
Do vậy, dù sỏi tụy không gây nguy hiểm cho tính mạng và có thể điều trị khỏi, người bệnh cần khám bác sĩ để được can thiệp xử lý trong thời gian sớm để hạn chế hết mức các rủi ro sức khỏe.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/soi-tuy-co-nguy-hiem-khong-169230926224925523.htm