Sokrates - Bậc thầy của triết học cổ Hy Lạp

Sokrates (470-399 TCN) được coi là bậc thầy của triết học cổ Hy Lạp. Ông cũng là sư phụ của Platon.

Triết gia người Anh nghiên cứu tôn giáo nổi tiếng Armstrong nhận xét: bước sang thế kỷ XXI, thế giới ngày càng rối loạn hơn (bạo lực và chiến tranh liên miên, nạn khủng bố, nguy cơ vũ khí nguyên tử, phá hoại môi trường, các dịch bệnh mới, hố giàu nghèo sâu thêm...), các tai họa ấy có thể dẫn đến sự hủy diệt của nhân loại (theo tác phẩm Sự biến đổi lớn - The Great Transformation, 2007).

Tại sao có tình trạng ấy? Là vì người ta chạy theo quyền lực, vật chất, hưởng thụ tầm thường, lãng quên tâm linh. Theo bà Armstrong, tâm linh theo nghĩa rộng là tri thức, tâm lý, triết học, chứ không riêng gì tôn giáo và tín ngưỡng. Con người hiện tại cần tìm được một quan niệm tâm linh, có khả năng điều chỉnh sự tiến bộ khoa học kỹ thuật để bảo vệ cái thiện, để nhân loại tồn tại. Phải tìm đến bốn vị tổ sư đã xây dựng nền tảng tâm linh cho nhân loại từ thời cổ đại (từ năm 680 đến năm 200 TCN). Đó là Phật Thích Ca, Sokrates, Khổng Tử và tiên tri Jeremiah.

Sokrates là triết gia cổ Hy Lạp, ông dạy đạo đức bằng phương pháp tranh luận dân chủ để tìm ra chân lý. Nguồn gốc của đức hạnh là tự biết mình, tự nhận ra mình sai thì sẽ không làm sai. Phương pháp của ông là gốc của phép biện chứng.

Thiếu thời, ông là quân nhân chiến đấu dũng cảm. Ông thường trò chuyện và thảo luận với thanh niên thành Athens để truyền bá tư tưởng của mình. Ông bị tử hình, phải uống thuốc độc chết, với lý do đã làm hư hỏng thanh niên và thờ thần linh tà đạo. Triết học ở ông nhằm mục đích dạy đạo đức, tự biết mình là nguồn gốc đức hạnh. Muốn vậy, phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ: “Tôi biết rằng tôi không biết gì hết”. Cần tranh luận để phát hiện chân lý: khi nói chuyện, Sokrates đặt nhiều câu hỏi khiến đối phương thừa nhận mình không biết gì, rồi đi đến chỗ nhận được đức hạnh. Phương pháp của Sokrates là nguồn gốc của phép biện chứng duy tâm.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số suy nghĩ của Sokrates:

- Hãy tự biết mình.

- Tôi không phải là công dân thành Athens, cũng không phải là công dân Hy Lạp, mà là công dân thế giới.

- Trong bất kỳ trường hợp nào, cứ lấy vợ đi. Nếu lấy được cô vợ tốt thì hạnh phúc, nếu vớ phải cô vợ không ra gì thì anh sẽ trở thành nhà triết học, đó là điều tuyệt vời nhất cho một gã đàn ông.

- Tất cả cái tôi biết, đó là tôi chẳng biết gì cả.

- Một kho cách ngôn hay còn hơn là một đống của.

- Nếu con lừa đá mình một cái, chớ có đá lại nó.

- Hạnh phúc là cái vui thích không kèm theo hối hận.

- Chịu sự bất công còn hơn là gây ra sự bất công.

- Một gã đàn ông có nên lấy vợ không? Loay hoay thế nào rồi y cũng sẽ hối hận.

- Người bụng đói thì không cần nước chấm. Có ngon hay không, thử xem.

- Đếm cừu còn dễ hơn đếm bạn.

- Ta có thể che giấu với người khác một hành động xấu, nhưng không thể tự che giấu mình.

- Một cuộc đời không tự xét mình thì không đáng sống.

- Những người ham muốn ít nhất thì gần thần linh nhất.

- Đối với con người, có của cải nào quý hơn sức khỏe không?

- Nếu ta biết cách hỏi thì những người ta hỏi sẽ tự tìm ra những lời giải đáp tốt.

- Cái gì có ích thì sẽ đẹp, nếu nó có ích cho việc sử dụng nó.

- Chỉ yêu thương mới biết bí quyết làm giàu bằng cách cho đi.

- Người là con vật duy nhất tin vào thần linh.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sokrates-bac-thay-cua-triet-hoc-co-hy-lap-134025.html